Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, các họa sĩ chủ yếu đi tìm vẻ đẹp từ cảnh sắc thiên nhiên và chân dung con người thì sau cách mạng, họ bỏ lại đô thành phồn hoa, theo cách mạng lên chiến khu Việt Bắc, cùng bộ đội, du kích ra mặt trận, cùng người nông dân xuống đồng, đưa vào tranh vẻ đẹp mới của đất nước gian khổ nhưng anh hùng, những con người dũng cảm chiến đấu giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.
Những bức họa cuối cùng của danh họa Tô Ngọc Vân đơn sơ trên mảnh giấy ngả vàng, vẽ niềm vui của những nam thanh niên đốt đuốc đi học chữ, của đồng đội vượt đèo cao lên Điện Biên. Ông hy sinh năm 1954 ngay trước hòa bình tại chiến khu Việt Bắc.
Năm 1945 đánh dấu thời kỳ văn học nghệ thuật vượt ra khỏi cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ để hòa mình vào cái ta rộng lớn, đó là nhân dân, là đất nước. Trong truyện ngắn "Đôi mắt", nhà văn Nam Cao viết "Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân". Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng chia sẻ: "Cuộc cách mạng đã đưa văn nghệ sĩ từ thung lũng đau thương đến một cánh đồng vui".
Những ký họa từ chiến trường, những giai điệu, vần thơ tràn đầy tình yêu nước, sự hào hùng, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Những tác phẩm ngợi ca đất nước liền một dải, non sông về một mối, Việt Nam đổi mới, phát triển, đi lên với khát vọng hùng cường. Trên hành trình của dân tộc luôn có dấu chân của các văn nghệ sĩ - chiến sĩ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!