Đến thời điểm này, công tác ứng phó đối với tàu cá trong bờ đã được đảm bảo. Âu thuyền Thọ Quang hiện có khoảng 700 tàu của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi chọn làm nơi neo đậu, tránh trú. Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã có thông báo cấm người, tàu thuyền xuất bến khai thác hoạt động trên biển. Các địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng khẩn trương hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa, đáp ứng lương thực, thực phẩm, các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân khi đến nơi sơ tán.
Dự báo, tại Quảng Trị sẽ có mưa to đến rất to, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất là rất cao, các địa phương cơ sở đã thực hiện dự trữ lương thực thực phẩm, vật tư thiết yếu sẵn sàng ứng phó với bão. Nếu bão đổ bộ, tỉnh Quảng Trị cũng lập phương án di dời hơn 9.000 hộ dân của 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ Hàng trăm tàu cá của 4 địa phương ven biển Quảng Trị là Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh cũng đã di chuyển lên vị trí an toàn.
Thời điểm này, hơn 500 tàu với hơn 5.100 lao động của tỉnh Quảng Ngãi đều đã nhận được hướng di chuyển của bão và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền trước 10h ngày hôm nay (26/9) và đã bắt đầu cấm biển từ 12h hôm nay. Các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chủ động rà soát và có phương án di dời dân tại các điểm có nguy cơ cao. Dự kiến lượng dân cần sơ tán là khoảng 24.600 hộ với 84.500 nhân khẩu.
Ngư dân dùng dây neo cột tàu vào các trụ sắt ở trên bờ. Ảnh: TTXVN.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án di dời hơn 26.000 hộ dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Sáng nay, nhiều hộ dân đã tự nguyện di chuyển đến các điểm trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ. Hơn 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo đã được phân bổ đến các địa phương. Tới thời điểm này, hơn 2.000 phương tiện tàu cá và hơn 11.000 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương không để tàu khai thác, đánh bắt hải sản ra khơi, thời gian thực hiện công tác này trước 16h ngày 26/9. Tiếp đó sẽ thực hiện việc cấm biển trước 14h ngày 27/9 (trừ các phương tiện thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn) cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa về kết thúc lệnh cấm biển.
UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng yếu để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; đặc biệt là các địa phương ven biển, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản... khi có thông tin diễn biến cơn bão ảnh hưởng đến vùng biển tỉnh Khánh Hòa. Các địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn khi mưa bão xảy ra.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ sáng 25/9 đến nay, tại Hà Tĩnh đã có mưa vừa, đến mưa to kèm theo gió lớn, triều cường. Tại tuyến kè biển thuộc thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tập trung khắc phục, gia cố các điểm xung yếu trên thân kè.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!