Các thiết chế văn hóa ở Hà Nội vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp

Ban Thời sự/Hà Nội mới-Thứ hai, ngày 25/04/2022 18:20 GMT+7

VTV.vn - Sáng 25/4, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.

Tại phiên giải trình, một số đại biểu HĐND đã chất vấn lãnh đạo thành phố về việc một số dự án bị buông lỏng quản lý, sử dụng không hiệu quả như công trình nghìn tỷ bảo tàng Hà Nội hay một số dự án công viên bị chậm triển khai.

Theo đại biểu Vũ Ngọc Anh: "Dự án bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành năm 2010 để kịp chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của dự án, đến nay, sau 8 năm vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm tiến độ này".

Các thiết chế văn hóa ở Hà Nội vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp - Ảnh 1.

Ông Vũ Ngọc Anh, Đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đặt câu hỏi tại phiên giải trình.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Dự án bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng kinh phí trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều "hội tụ" của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. Vì thế, mất rất nhiều thời gian.

Nêu thêm về những nguyên nhân khách quan trong thực hiện dự án này, ông Đỗ Đình Hồng cho biết, UBND thành phố đã thành lập Hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, thành phố đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, cho tới năm 2020, UBND thành phố phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao tới nay là Bảo tàng Hà Nội...

“Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.

Về một số dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước như dự án Công viên Hello Kitty nằm trên khu "đất vàng" hồ Tây, dự án Công viên Kim Quy (huyện Đông Anh) chậm triển khai, lãng phí rất lớn về đất đai, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự án Công viên Kim Quy đã có chủ trương đầu tư, việc bàn giao mặt bằng đã đạt 97%, chủ đầu tư đang tổ chức thực hiện các nội dung triển khai theo quy hoạch; phần còn lại với trách nhiệm của mình, Sở sẽ tham mưu thành phố và đôn đốc các đơn vị thực hiện.

Về dự án Công viên Kim Quy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh thừa nhận trách nhiệm UBND thành phố chậm trễ vì có lịch sử liên quan, nhưng thời gian qua cơ bản các vướng mắc cũng đã được tháo gỡ.

Theo báo cáo của UBND thành phố, đến tháng 3/2022, toàn thành phố có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố và các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với HĐND thành phố, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Trên địa bàn thành phố, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước