ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐÃ ĐƯỢC KIỂM SOÁT
Từ khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019, thế giới đã trải qua 3 năm đương đầu với virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu cho thấy đã có hơn 500 biến thể phụ của Omicron có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch, những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Ủy ban Khẩn cấp về dịch COVID-19 thuộc WHO dự kiến sẽ thảo luận về các tiêu chí tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp tại cuộc họp của ủy ban vào tháng 1/2023.
Dịch COVID-19 không còn là mối lo ngại tại hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều nước đã không còn xét nghiệm COVID-19. COVID-19 giờ được coi như một bệnh đặc hữu. Hầu hết những ca nhiễm COVID-19 đều có những triệu chứng nhẹ. Số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo hàng tuần trên toàn thế giới đã giảm gần 90% kể từ mức đỉnh dịch cuối tháng 1/2022, thời điểm biến thể Omicron hoành hành. Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra có thể được dỡ bỏ vào năm 2023.
Tuy vậy, các quan chức y tế toàn cầu cảnh báo người dân không nên mất cảnh giác vì số ca mắc COVID-19 vẫn có thể tăng trở lại vào mùa xuân tới, nhất là khi Trung Quốc mở cửa, nới lỏng các biện pháp hạn chế. Việc tiêm nhắc lại cần được thực hiện để ngăn chặn khả năng xuất hiện một biến thể SARS-CoV-2 mới có thể làm suy yếu đáng kể vaccine và phương pháp điều trị hiện nay. Cho đến nay, đã có hơn 70% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với gần 266 triệu liều vaccine COVID-19 các loại được tiêm cho khoảng 88,5% người dân từ 5 tuổi trở lên. Gần 100% người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi cơ bản và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã đạt 93%. Đặc biệt, tỷ lệ phản ứng sau tiêm của Việt Nam thấp hơn thông báo của WHO và nhà sản xuất.
Các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao và công nhận Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm phòng COVID-19. Chiến dịch tiêm vaccine thành công, an toàn đã góp phần quan trọng ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, ngành y tế trong nước đã phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó vụ án Công ty Việt Á cấu kết thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Vụ án này đã khiến người đứng đầu cùng nhiều lãnh đạo trong ngành y tế tại các địa phương bị bắt vì làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng lúc, nhiều loại dịch bệnh không mới nhưng lại bùng phát, nhiều nhân viên y tế trong khu vực y tế công bỏ việc… Các giải pháp đã được đưa ra để giải quyết những thách thức mới, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân hiệu quả và tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị.
Năm nay, một số bệnh truyền nhiễm bùng phát với số mắc tăng cao bất thường. Điển hình là bệnh do virus Adeno, cúm, sốt xuất huyết.
Từ tháng 8, số bệnh nhi nhiễm virus Adeno bắt đầu xuất hiện nhiều, hiện tượng chưa từng xảy ra trong các năm trước. Sang tháng 9 và 10, mỗi tuần Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 1.000 trường hợp, trong đó, gần 50% bị nặng.
Tương tự COVID-19, bệnh do virus Adeno thường tăng nặng ở người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch. Thời điểm đó, còn diễn ra tình trạng nhiều trẻ bội nhiễm vi khuẩn sau khi nhiễm virus Adeno dễ dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng phát được nhận định là do sau mắc COVID-19, tổn thương ở niêm mạc, đường hô hấp của trẻ chậm hồi phục, tạo cơ hội để các virus tấn công mạnh hơn so với mọi năm.
Dịch cúm năm nay cũng có sự bất thường. Từ hè cho đến đầu mùa đông vẫn diễn biến phức tạp. Như đợt cúm A bùng phát ở Hà Nội khiến gần 3.000 người mắc được xem là hoạt động trái mùa của virus cúm. Ngay cả cúm B cũng lây lan rộng với nhiều ca biến chứng nặng.
Đặc biệt, đúng như dự báo theo tính chất chu kỳ, dich sốt xuất huyết năm nay quay trở lại với hơn 354.000 ca mắc, hơn 130 ca tử vong, cao gấp 5 lần năm trước. Số ca nặng và có dấu hiệu cảnh báo tăng.
Các địa phương đã huy động lực lượng triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo các hộ gia đình tại vùng có dịch hoặc có nguy cơ bùng phát dịch, phải được kiểm tra, giám sát vật dụng chứa nước, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường.
6 tháng đầu năm nay, hơn 4.100 viên chức y tế xin thôi việc. Nhiều người có trình độ được các cơ sở tư nhân mời làm việc với mức lương cao. Cũng có những người chuyển sang công việc khác dù tiếc nuối nghề, tiếc nuối khối kiến thức đã dày công tích lũy trong nhiều năm.
Hàng loạt cơ sở y tế công lập khó khăn vì thiếu nhân lực. Cùng với đó, hàng loạt trạm y tế "trắng" bác sĩ. Ngay cả những nơi có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư cũng không có bác sĩ vì thế cũng vắng cả bệnh nhân. Tăng lương chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài cần một giải pháp căn cơ, tức là xem xét toàn bộ chính sách về y tế.
Ngày 6/12, Bộ Y tế đã bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 14/2020, giúp các cơ sở y tế lựa chọn được trang thiết bị, vật tư phù hợp và đúng với quy luật của thị trường. Cụ thể các đơn vị khi tham gia đấu thầu sẽ không cần tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước. Giá trúng thầu năm sau có thể cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó năm trước hoặc giá có thể thấp hơn nhưng lạc hậu.
Trong năm qua, có 88 loại thuốc được đấu thầu tập trung thành công, với tỷ lệ giảm giá trung bình 18%. 61 thuốc biệt dược gốc đã được đàm phán, với giá trị giảm gần 2 tỷ đồng, tương đương 14,8%. Đặc biệt, một số thuốc điều trị ung thư có tỷ lệ giảm giá cao nhất lên đến 51%.
Tuy nhiên, vẫn có một số loại thuốc không có nhà thầu tham gia do quy định giá thuốc đấu thầu phải thấp hơn giá thuốc 12 tháng trước đó. Vì vậy, Bộ Y tế đang tiến hành lấy ý kiến để sửa thông tư 15 quy định giá thuốc đấu thầu phải thấp hơn giá thuốc 12 tháng trước đó.
Dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng ngành y tế với đội ngũ thầy thuốc tâm huyết với nghề, vẫn tiếp tục nỗ lực đứng vững sau đại dịch. Hơn thế còn gặt hái những thành tựu mới, đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển trình độ chuyên môn, làm nên những thành công mang tầm thế giới.
Xác lập kỷ lục ghép tim trong thời gian nhanh nhất
Cùng lúc 2 kỷ lục trong lĩnh vực ghép tạng đã được Bệnh viện Trung ương Huế xác lập hồi đầu tháng 5 đó là ghép tim với thời gian mổ ngắn nhất và thời gian tim đập lại cũng ngắn nhất.
Người được ghép tim 37 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối. Quả tim được lấy từ người hiến tạng chết não tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), vận chuyển đến Huế an toàn. Chỉ sau 1 giờ 20 phút phẫu thuật, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận tạng.
Ca ghép phổi thành công toàn diện
Thành tựu ghép tạng Việt Nam còn ghi nhận trường hợp hiếm có trên thế giới đó là ca ghép phổi thành công toàn diện, khỏe mạnh sau hơn 2 năm ghép. Ca ghép do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện. Sau đó, người nhận phổi được khám định kỳ, thiết lập quy trình phục hồi chức năng phù hợp. Hiện ông hoàn toàn khoẻ mạnh, chức năng hô hấp ổn định, phổi hoạt động tốt.
Nuôi dưỡng thành công cặp song sinh non tháng nặng 500g
Cặp song sinh tuổi thai 25 tuần và mỗi cháu chỉ nặng 500 gam đã được Bệnh viện Phụ sản Trung ương nuôi dưỡng thành công. Đây cũng là cặp song sinh nhẹ cân và non tháng nhất.
Hai bé phải thở máy hàng chục ngày và đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, phổi và nhiễm trùng sơ sinh. Các bác sĩ đã sử dụng 7 phương pháp nuôi dưỡng cho các bé. Mỗi ngày các bé ăn 25 lần và mỗi lần chỉ 0,5 ml sữa.
Được biết, bệnh viện đã nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non và chỉ nặng vài lạng. Hiện các bé khỏe mạnh và phát triển bình thường - Thành công này cho thấy trình độ của đội ngũ bác sĩ Sản Nhi của Việt Nam và nhân thêm hy vọng cho các gia đình có trẻ sinh non nhẹ cân.
Trong năm 2022, trên thế giới cũng có nhiều thành tựu y tế đáng chú ý mang lại cho con người những loại thuốc, những phương pháp điều trị mà không thể thực hiện trước đây.
Khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc
1 phụ nữ có HIV đã khỏi hoàn toàn sau khi được cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn của người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp có khả năng kháng lại virus. Các bác sĩ cho rằng người được ghép tế bào gốc sẽ phát triển một hệ thống miễn dịch kháng lại virus HIV. Bệnh nhân khoẻ mạnh và không phải điều trị bằng thuốc ARV.
Việc điều trị hết virus HIV nhờ ghép tế bào gốc là một tin tích cực cho nhân loại trong cuộc chiến trường kỳ chống virus HIV.
Cấy tủy sống giúp bệnh nhân liệt đi lại
Công nghệ cấy thiết bị điện cực vào tủy sống đã giúp những bệnh nhân bại liệt có thể đi lại. Ông Michel Roccati, người Italy gặp một tai nạn nghiêm trọng khiến ông bị liệt hoàn toàn phần thân dưới nhưng giờ đây, ông đã đi bộ được trở lại nhờ phương pháp cấy ghép tủy sống.
Các bác sĩ đã cấy thiết bị điện cực vào khoang ngoài màng cứng - khu vực giữa các đốt sống và màng tủy sống. Thiết bị cấy ghép gửi xung điện đến các cơ của bệnh nhân giống như hoạt động của não. 1 tiếng sau khi phẫu thuật, ông Roccati đã có thể thực hiện những bước đi đầu tiên.
Với việc luyện tập hàng ngày, ông Roccati có thể đứng và đi bộ gần 1km với sự hỗ trợ của một khung đỡ để giữ thăng bằng. Việc cấy ghép thành công cho ông Roccati mở ra hy vọng cho nhiều người bại liệt có thể vận động trở lại.
Thuốc mới điều trị Alzheimer
Sau hơn 30 năm nghiên cứu về bệnh Alzheimer, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra một loại thuốc có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh Alzheimer. 2 hãng dược phẩm Eisai của Nhật Bản và Biogen của Mỹ đã phối hợp phát triển thuốc điều trị bệnh Alzheimer có tên là lecanemab.
Loại thuốc này có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng và nhận thức ở các bệnh nhân giai đoạn đầu. Thuốc Lecanemab là một kháng thể tiêm tĩnh mạch được thiết kế để loại bỏ cặn lắng amyloid trong não bệnh nhân. Những người sử dụng thuốc tiêm lecanemab, tiến trình thoái hóa não chậm lại tới 27% so với những người dùng giả dược. Điều này mở ra hy vọng cho các bệnh nhân đang tuyệt vọng kiếm tìm liệu pháp hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!