Cả nước có 77.000 người mắc sốt xuất huyết

PV (t/h)-Thứ hai, ngày 27/06/2022 06:50 GMT+7

Phun hóa chất diệt muỗi (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Cả nước đã có khoảng 77.000 người mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 10.000 ca so với một tuần trước đó. Trong đó, 30 trường hợp đã tử vong.

Mới đây, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trong tháng 6, tháng 7. Cụ thể:

Đoàn 1 đi kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương do Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng làm Trưởng đoàn.

Đoàn 2 đi kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp do lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 3 đi kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu do lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế làm Trưởng đoàn.

Đoàn 4 đi kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh: Tây Ninh, Long An do lãnh đạo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn.

Đoàn 5 đi kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam do lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang làm Trưởng đoàn.

Đoàn 6 đi kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh do lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm Trưởng đoàn.

Đoàn 7 đi kiểm tra, chỉ đạo các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk do lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm Trưởng đoàn.

Năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh và cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Thậm chí, số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn. Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm: Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu...); Nôn liên tục; Đau bụng dữ dội; Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; Khó thở cần phải đưa tới cơ sở y tế kịp thời.

Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang gia tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có hơn 700 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các ca mắc đều nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Các bác sĩ khuyến nghị, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng. Không nên tìm hiểu thông tin trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh nặng thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước