Bus nhanh BRT chậm, ít khách: Thử nghiệm thất bại sao vẫn tồn tại?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/03/2021 18:46 GMT+7

VTV.vn - Ròng rã 5 năm qua, kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông cho tuyến đường xuyên tâm thành phố đã không đạt được.

Với một đô thị có quy mô dân số lớn như Hà Nội, yêu cầu về một loại hình phương tiện giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn, vận hành liên tục, có khả năng thay thế phương tiện cá nhân là điều bắt buộc để giải quyết ùn tắc giao thông. Bus nhanh BRT với làn đường riêng, có thể xuyên qua thành phố như một đoàn tàu, có lợi thế về sự an toàn cũng như tốc độ, trong khi đầu tư dễ dàng hơn đường sắt, hiển nhiên là lựa chọn số một. Năm 2017, tuyến BRT số 1 đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, không ai còn lạ lẫm với hình ảnh những chiếc xe bus nhanh BRT vắng khách, đứng chen chúc trong cảnh ùn tắc đường vào giờ cao điểm. Chiếm dụng 1/3 mặt đường và đi qua nhiều ngã tư, tốc độ trung bình chỉ đạt khoảng 20 km/h, thậm chí có nhiều đoạn đường chỉ đạt 12 - 13 km/h, BRT khiến tất cả đường trên hành trình mà nó đi qua trở thành những điểm ùn tắc mới.

Tuyến BRT số 1 nằm trên trục đường hướng tâm phía Tây của Hà Nội, nơi có tới 40 tòa nhà chung cư cao tầng trên quãng đường 2km. Tuy nhiên, trung bình chỉ có khoảng 10.000 lượt người sử dụng BRT mỗi ngày. Đây là con số quá nhỏ trên một trục đường hướng tâm của thành phố có gần 10 triệu dân.

Bus nhanh BRT chậm, ít khách: Thử nghiệm thất bại sao vẫn tồn tại? - Ảnh 1.

Xe bus nhanh lưu thông trên làn đường dành riêng. (Ảnh: Dân trí)

Điểm thất bại nhất của dự án là chi phí lên tới cả nghìn tỉ đồng nhưng BRT không hơn gì xe bus thường. Trong khi đó, với số tiền đầu tư trên, Hà Nội có thể làm mới hơn 10 tuyến xe bus thường và mua được rất nhiều xe bus mới thay cho dàn xe cũ hiện nay. Đây là cái giá quá đắt cho một thử nghiệm thất bại.

Năm mục tiêu đề ra khi triển khai BRT gồm tốc độ nhanh, vận hành liên tục, chuyên chở khối lượng lớn, thay thế phương tiện cá nhân, giải tỏa ùn tắc đường xuyên tâm phía Tây Thủ đô đều không đạt được. Ngay từ khi triển khai, các chuyên gia giao thông đã đưa nhiều ý kiến phản đối của. Khi bắt đầu thi công, tai tiếng về tình trạng chậm tiến độ, thất thoát, sai phạm trong khai thác vận hành, đầu tư... diễn ra. Một vấn đề lớn mà dư luận đặt câu hỏi ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý dự án ra sao, vì sao tới thời điểm này vẫn để tồn tại BRT không hiệu quả, gây lãng phí, bức xúc dư luận?

Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt rất nhiều đồ án quy hoạch mới, mạng lưới giao thông đô thị cũng sẽ phải dịch chuyển, thay đổi theo. Việc có tiếp tục triển khai mạng lưới BRT theo quy hoạch của Thủ đô tới 2030, tầm nhìn 2050 hay không là việc cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Hà Nội nghiên cứu mở rộng hoạt động của xe bus nhanh BRT Hà Nội nghiên cứu mở rộng hoạt động của xe bus nhanh BRT Bất hợp lý việc tạo làn riêng cho bus nhanh BRT Bất hợp lý việc tạo làn riêng cho bus nhanh BRT Hà Nội: Xe bus sẽ không có làn đường riêng như BRT Hà Nội: Xe bus sẽ không có làn đường riêng như BRT

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước