VTV.vn - Ngay sau vụ cháy thảm khốc, nhiều người đặt ra câu hỏi từ khâu cấp phép, xây dựng đến những quy định quản lý loại hình chung cư mini...

Ngày đại tang - đêm 12 rạng sáng 13/9/2023 - không chỉ cướp đi sinh mệnh của 56 người xấu số mà còn làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của cả trăm gia đình liên quan đến vụ hỏa hoạn tại căn nhà số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngay sau vụ cháy thảm khốc, nhiều người đặt ra câu hỏi từ khâu cấp phép, xây dựng đến những quy định quản lý loại hình "chung cư mini"... Ai được cấp phép xây nhà, tạm gọi là “chung cư mini”? Ai kiểm soát được khâu an toàn, phòng cháy chữa cháy ở những khu nhà này?

"Lúc nào cũng có khoảng 10 xe cứu thương.  Cứ thấy xe cứu thương đến là tôi khóc. Có một chị ở tận Yên Lãng đến đây quyên góp mà chị ấy còn đứng nghẹn lại. Đó là những người chỉ chứng kiến qua mạng thôi họ đã như thế, thì những bà những người dân và các chiến sĩ PCCC trực tiếp ứng cứu, họ còn thấy khủng khiếp đến mức nào?" - một người dân ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình quận Thanh Xuân, Hà Nội không thể quên đêm kinh hoàng đó xảy ra trên con phố nhà mình.

Buông lỏng quản lý chung cư mini - Ảnh 2.

"Cứ thấy xe cứu thương đến là tôi khóc" - một người dân trên phố Khương Hạ kể lại.

Do tòa nhà nằm trong ngõ sâu nên công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào để dập lửa. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp cùng chính quyền và người dân đã chiến đấu không mệt mỏi suốt nhiều giờ đồng hồ giữa đêm khuya, quyết tâm cứu thoát các nạn nhân đang bị mắc kẹt trong vụ cháy. 

Anh Đặng Hồng Long, Người tham gia cứu hộ các nạn nhân cho biết, lực lượng chức năng khi đến cứu gặp nhiều khó khăn: Đường hẹp, nhà xây không có lối thoát hiểm, chỉ có 1 đường độc đạo là thang bộ nên theo phương châm người nào sống sót thì cứu trước những người kia thì cứu sau. "Bây giờ chân tay tôi vẫn đang run" - anh Long chia sẻ. 

Ông Nguyễn Quang Hiệp, người dân phố Khương Hạ cho biết: "Thấy cháy, tôi với một người nữa phá cái hộc cứu hoả để lấy ra 2 cái bình vì ngách này được trang bị 2 bình to. Tôi lấy thêm cái bình nhà tôi nữa… Cháy nhanh lắm, lượng khói cuộn hết lên... Trung bình cứ vài phút lại cuốn một chăn bê một người ra. Riêng nhà tôi lấy ra 10 cái vỏ chăn".

Buông lỏng quản lý chung cư mini - Ảnh 3.

Khoảng 45 phút sau khi tiếp cận được hiện trường, đám cháy cơ bản được dập tắt. Tuy nhiên vẫn không có phép màu nào xảy ra với nhiều nạn nhân trong toà nhà này.

Sau khi vụ cháy xảy ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến thăm hỏi và hỗ trợ những đồ dùng thiết yếu cho các gia đình, cá nhân trong vụ cháy. Chia sẻ với những mất mát của các gia đình, động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn, Bí thư khẳng định thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống.

"Chúng tôi đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân thiệt mạng, yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tập trung cao nhất vào cứu chữa những người bị thương. Hệ thống chính trị của thành phố hỗ trợ tối đa để giảm bớt khó khăn và thiệt hại của bà con trong toà nhà này" -  Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết.

Buông lỏng quản lý chung cư mini - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm hỏi, động viên các nạn nhân vụ cháy chung cư mini.

Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu điều tra tận gốc từ khâu cấp phép và xây dựng toà nhà này, đồng thời kiểm tra đồng loạt tất cả các "chung cư mini" trên địa bàn Hà Nội. Trước mắt, việc quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền an toàn PCCC để người dân có thể tự bảo vệ mình và người thân.

"Có những hộ gia đình 4 người có 2 cháu nhỏ 8 và 10 tuổi, khi thấy cháy, các cháu đã tự biết lấy khăn ướt bịt vào miệng và mẹ các cháu lấy khăn ướt bịt vào cửa nên được cứu thoát. Nhưng cũng có những người lại chạy ra lan can, hít phải khói độc đã ngạt thở chết. Vì thế, công tác tuyên truyền rất quan trọng" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Buông lỏng quản lý chung cư mini - Ảnh 5.

Trước đó không lâu, cũng tại phường Khương Đình, đêm ngày 6/3/2023, hơn 170 người sinh sống tại chung cư mini số 315 Vũ Tông Phan đã phải tháo chạy trong hoảng loạn khi xảy ra cháy.

Tối 12/5, đã xảy ra vụ cháy "chung cư mini" tại ngách 20, ngõ 426 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tương tự, tháng 10/2022, một vụ cháy "chung cư mini" ở ngõ 132 Cầu Giấy, khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, giải cứu 11 người.

Hàng loạt vụ cháy "chung cư mini" tại Hà Nội đã xảy ra... thế nhưng, cho đến giờ này, vẫn chưa có một quy định và quy chuẩn nào quản lý loại hình nhà ở tạm gọi là "chung cư mini" này.

Rất nhiều "chung cư mini" ở Hà Nội đã vi phạm về chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng so với giấy phép.

Đây chính là giấy phép xây dựng số 89 do UBND quận Thanh Xuân cấp phép cho căn nhà vừa bị cháy ở phố Khương Hạ. Công trình ghi là nhà ở riêng lẻ, được phép xây 6 tầng và 1 tum. Nhưng thực tế thi công và hoàn thiện xây dựng thì không phải như vậy.

Buông lỏng quản lý chung cư mini - Ảnh 9.

Giấy phép xây dựng số 89 do UBND quận Thanh Xuân cấp phép cho căn nhà vừa bị cháy ở phố Khương Hạ.

Xung quanh vấn đề cấp phép, giám sát và quản lý, những nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều ý kiến.

KTS Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết: "Thứ nhất, xin giấy phép 1 đằng, xây dựng 1 nẻo, như vụ cháy Khương Đình chỉ cho 6 tầng và là nhà ở riêng lẻ thì lại cải tạo trở thành "chung cư mini".

Thứ hai, việc kiểm tra hậu kiểm các công trình xây dựng chúng ta làm rất kém. Bởi vì việc ngăn chia các căn hộ để bán là có thời gian, có chuẩn bị, công khai, chứ không phải giấu diếm. Vậy tại sao chính quyền không biết?".

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho biết: "Ngay từ tổ dân phố đã có chức năng hành chính, phải phát hiện những vấn đề sai phạm để xem xét, sau đó mới đến chính quyền phường, rồi đến người làm công tác chuyên môn về trật tự xây dựng, cảnh sát khu vực, đơn vị thanh tra... Khi phát hiện sai phạm rồi lại xử lý không triệt để... Có thể nói cháy nhà mới ra mặt chuột".

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: "Xây cao thì ai quản lý chuyện đó? Phép thì không được rồi, mà không phải xây cao là người ta không biết. Biết nhưng lại để người ta xây dựng. Nhà ấy sẽ không được quyền bán hay quyền mua. Qua việc này phải thấy công tác quy hoạch, thiết kế, quản lý phải đi với nhau. Nếu không đi với nhau thì nó sẽ xảy ra làm sai phép".

Buông lỏng quản lý chung cư mini - Ảnh 10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 796 yêu cầu TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tại Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, một cuộc họp để tranh luận về vấn đề "chung cư mini" đã diễn ra.

Buông lỏng quản lý chung cư mini - Ảnh 11.

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngay một cuộc họp về vấn đề "chung cư mini".

GS. TS Nguyễn Tố Lăng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Quy định cấp quận là được cấp GPXD nhà ở liền kề, hoặc nhà ở riêng lẻ đến 6 tầng. Trường hợp cháy hôm qua tôi không rõ giấy phép là gì? Nếu là nhà ở riêng lẻ tính trung bình của người Việt Nam 1 nhà là 4 người, thế nhưng ở trường hợp này người ta ở đến 150 người. Quy hoạch đô thị rất quan trọng nhưng lâu nay có lẽ đang nửa vời, quy hoạch, thiết kế có thể rất tốt nhưng việc tiếp theo là thực hiện và quản lý nó thì không tốt chút nào".

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: "Quy chuẩn của Bộ Xây dựng đã quy định khi xây dựng công trình nhà ở cao tầng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu an toàn PCCC xung quanh là 6m, nên thường trong quá trình thực hiện thường lách theo hình thức 'nhà ở riêng lẻ'.  Vụ cháy ở Khương Hạ vừa rồi không phải là cá biệt. Nếu rà soát lại toàn bộ thì sẽ phát hiện rất nhiều chung cư khác đều có độ rủi ro rất cao, đặc biệt về PCCC".

Ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Hà Nội cho biết: "Chúng ta nên có cuộc thảo luận hoặc hội thảo về vấn đề an toàn cuộc sống người dân trong đô thị nói chung, không phải là quy hoạch, xây dựng. Để không phải lặp lại câu chuyện - cứ sự cố xảy ra thì chúng ta đi mổ xẻ và vá víu cái cái khác mà chúng ta nên chủ động".

Ông Đỗ Hoàng Ân, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Bộ Xây dựng nên sớm tham gia để cùng các đô thị lớn để có thay đổi cơ bản về mặt xây dựng. Có nên cho tồn tại cách xây dựng như hiện nay không và nếu cho thì các điều kiện quản lý khai thác các chung cư này phải tuân thủ theo pháp luật như thế nào?".

Ai được cấp phép xây nhà, tạm gọi là “chung cư mini”? Ai kiểm soát được khâu an toàn, phòng cháy chữa cháy ở những khu nhà này? Trong khi chờ hướng dẫn về quản lý mô hình chung cư mini thì vẫn còn hàng loạt tòa nhà tự phát đang xây dựng dang dở. Và người dân vẫn phải bỏ ra có khi cả tỷ đồng để mua mà không được đảm bảo quyền lợi an toàn cho mình. Bởi tất cả các căn hộ trong “chung cư mini” hiện nay đều không được cấp sổ hồng và tất nhiên không cả thiết bị đảm bảo an toàn PCCC.

Phóng sự: Buông lỏng quản lý "chung cư mini".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước