Đâu là nguyên nhân ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh?
Sáng 8/6, tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Tráng A Dương (tỉnh Hà Giang) đã nêu lên tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu đô thị lớn, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết đâu là nguyên nhân chính của tình trạng trên và những giải pháp Bộ sẽ cùng các địa phương thực hiện trong thời gian tới.
Đại biểu Tráng A Dương (tỉnh Hà Giang)
Đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng có ý kiến về việc hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là tại các đô thị và các khu vực tập trung đông người. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ có giải pháp như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, ùn tắc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều nguyên nhân và sẽ phải giải quyết lâu dài, không thể một sớm một chiều. Bộ trưởng lấy ví dụ các thành phố lớn như Tokyo hay Bắc Kinh có nguồn lực tài chính mạnh mẽ thì cũng phải mất một khoảng thời gian rất dài để xử lý.
Theo đó, để giải quyết, các địa phương cần tiếp tục lưu ý việc kiểm soát, quản lý đô thị gắn với quy mô dân số. "Nếu không rà soát, kiểm soát quy hoạch đô thị mà tiếp tục mọc lên những chung cư cao tầng thì nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn" – Trưởng ngành giao thông cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị, đất giao thông cần 16-26% đất đô thị nhưng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dù rất cố gắng cũng chỉ đạt 8-9%. Trong đó, đất giao thông tĩnh để xây dựng các bãi đỗ xe cũng rất khiêm tốn.
Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có nhiều phương tiện công cộng như các thành phố lớn ở trên thế giới. Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, phát triển phương tiện công cộng đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là một vấn đề rất cấp thiết. Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các thành phố để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Trong đó, đường sắt đô thị cần phải tiếp tục quan tâm đẩy mạnh. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết về chiến lược phát triển đường sắt đô thị.
"Ví dụ điển hình là chúng ta đã hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tôi rất bất ngờ với kết quả sau 19 tháng vận hành, hàng ngày có 21.000-33.000 người đi trên tuyến này. Vào cao điểm có thời điểm lên tới 50.000 người/ngày. Lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỷ đồng. 80% người đi là mua vé cố định" – trưởng ngành giao thông nêu kết quả hoạt động của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội và cho biết sắp tới TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đưa vào khánh thành một tuyến đường sắt đô thị.
Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Bên cạnh đường sắt đô thị, cũng cần phải quan tâm hơn nữa tới giải pháp về khai thác xe bus cũng như mở rộng không gian 2 thành phố. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần triển khai Vành đai 4 Vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh để làm sao có những tuyến tránh, các phương tiện không nhất thiết phải đi vào trong nội thành.
Liên quan việc hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ trưởng Thắng cũng nêu ra các giải pháp đang áp dụng ở nhiều thành phố trên thế giới như ở Bắc Kinh quy định "ngày chẵn đi biển chẵn, ngày lẻ đi biển lẻ".
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Bên cạnh vấn đề ùn tắc giao thông, Đại biểu Tráng A Dương đặt câu hỏi về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Theo đại biểu, việc quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công. Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng.
Đối với việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, qua việc thanh kiểm tra trong thời gian qua, Bộ đã nhận diện được vấn đề. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong phân định trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành trong thanh tra, kiểm tra đào tạo, cấp phép lái xe.
Đến nay, toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, Bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải khắc phục triệt để vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!