Bộ Công an: Người dân không được sử dụng pháo hoa nổ và pháo nổ

Trường Sơn - Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 30/11/2020 17:38 GMT+7

VTV.vn - Đại tá Vũ Minh Hùng, Bộ Công an nhấn mạnh, người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không tạo ra tiếng nổ, không được sử dụng loại pháo hoa nổ hay pháo nổ.

Ngày 27/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 137 so với Nghị định 36 ban hành năm 2009 là phân định rõ pháo hoa nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ cũng như quy định các trường hợp được sử dụng pháo hoa.

Để làm rõ những quy định mới này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

PV: Thưa ông, vừa qua, Chính phủ ban hành có nội dung người dân được phép đốt pháo hoa. Vậy những loại pháo hoa nào người dân được phép đốt?

Đại tá Vũ Minh Hùng: Ngày 15/4/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36. Việc triển khai thực hiện hơn 10 năm nhưng quá trình triển khai thực hiện Nghị định 36 có một số vướng mắc, bất cập so với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ như Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 và các Luật xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Công an: Người dân không được sử dụng pháo hoa nổ và pháo nổ - Ảnh 1.

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

Chính vì lý do đó, Bộ Công an đã nghiên cứu và tham mưu với Chính phủ để nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 36 của Chính phủ.

Ngày 27 tháng 11 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Trong Nghị định 137 cũng nói rõ được một số điều liên quan về những điểm mới của Nghị định 137 so với Nghị định 36, trong đó đặc biệt có Điều 17 quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì được phép sử dụng pháo hoa.

Đây là một trong những điểm mới so với Nghị định 36. Tuy nhiên, một số người dân còn đang hiểu pháo hoa ở đây là pháo trước kia chúng ta đang sử dụng bắn pháo hoa và đốt pháo hoa. Nhưng thực tế theo quy định mới của Nghị định 137 về khái niệm về pháo thì có 2 loại: pháo nổ và pháo hoa.

Pháo nổ là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp dưới sự xung kích thích cơ nhiệt điện và có tạo ra tiếng nổ hoặc tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian. Loại pháo mà tạo ra tiếng rít, tiếng nổ, hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian thì được gọi là pháo hoa nổ.

Pháo hoa có khái niệm rất rõ ràng là sản xuất thủ công hoặc công nghiệp dưới tác động xung kích thích cơ nhiệt điện có thể tạo ra âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian nhưng không gây tiếng nổ. Loại pháo này thực tế từ trước đến nay, chúng ta đều biết đó là trong các lễ hội như sinh nhật, cưới hỏi, người dân vẫn thường sử dụng để đốt, tạo nên những bông hoa, ánh sáng rực rỡ trên, trên khán đài nhưng không có tiếng nổ. Về mức độ nguy hiểm, do không có thuốc nổ nên cũng không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân mà nó chỉ tạo nên ánh sáng, màu sắc.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137, người dân chỉ được sử dụng loại pháo này chứ không được sử dụng loại pháo hoa nổ cũng như pháo nổ.

Riêng đối với các loại pháo hoa mà trước kia người dân quan niệm, ví dụ như quân đội bắn pháo hoa trong ngày kỷ niệm, lễ hội hoặc người dân sử dụng pháo hoa nổ đốt trái phép trong các ngày Tết và tạo ra tiếng nổ tạo màu sắc ánh sáng trên không gian thì bây giờ được coi là pháo nổ và nghiêm cấm tuyệt đối đối với các hành vi sử dụng trái phép.

Theo thống kê, trong những năm vừa qua, việc sử dụng pháo hoa và pháo nổ trong dịp lễ, Tết gây ra những tác hại như thế nào?

- Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm về pháo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là người dân vẫn đốt pháo trái phép.

Loại pháo này theo quan điểm của Nghị định 137 chính là pháo nổ. Người dân vẫn mua pháo lậu không của các nước như Trung Quốc, Thái Lan đem về Việt Nam và cất giấu để ngày Tết đốt pháo trái phép.

Bộ Công an: Người dân không được sử dụng pháo hoa nổ và pháo nổ - Ảnh 2.

Hoạt động mua pháo lậu để đốt ngày lễ Tết vẫn còn phổ biến.

Nhiều người dân đã sử dụng pháo hoa nổ để đốt, cầm trên tay, hoặc đưa vào trong nhà đốt gây nên nguy hiểm như bị thương tích, cháy nổ. Trong Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng công an đã bắt giữ hàng nghìn vụ liên quan đến việc người dân mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo nổ hay còn gọi là pháo hoa nổ và thực tế. Trong Tết Nguyên đán 2020 đã xảy ra hơn 300 vụ tai nạn liên quan đến việc sử dụng các loại pháo này.

Như vậy, loại pháo này rất nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn pháo nổ bánh mà người dân ngày xưa thường gọi là pháo nổ. Cần thiết nghiêm cấm người dân cũng như các cơ quan, tổ chức không được phép sử dụng, trừ trường hợp những cơ quan nhà nước có nhu cầu để sử dụng phục vụ cho ngày lễ hội, lễ Tết cũng như là các ngày văn hóa xã hội được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy định tại Điều 11 của Nghị định này.

Điều 17 có quy định, các loại pháo hoa người dân được phép sử dụng cũng phải do cơ quan nhà nước và đơn vị quân đội có đủ năng lực sản xuất mới được phép sử dụng. Như vậy, một số các loại pháo hoa đã sử dụng trên thị trường hiện nay bán cũng chưa nằm trong danh mục được phép đúng không, thưa ông?

- Những năm gần đây, pháo hoa chỉ tạo ra không gian, màu sắc, ánh sáng, không có tiếng nổ thì người dân vẫn đang mua trái phép hàng lậu của Trung Quốc hoặc các nước khác để sử dụng như trong ngày sinh nhật, ngày cưới.

Bộ Công an: Người dân không được sử dụng pháo hoa nổ và pháo nổ - Ảnh 3.

Pháo hoa không có tiếng nổ trên thị trường thường là hàng lậu từ Trung Quốc và các nước khác.

Tuy nhiên, cũng chưa có cơ quan quản lý và xử lý được hành vi này. Chính vì vậy, nghị định này quy định rất rõ, chỉ có cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp của quân đội mới được nghiên cứu sản xuất pháo hoa. Chỉ có doanh nghiệp quân đội mới được phép kinh doanh pháo hoa này để bán cho người dân sử dụng.

Tại sao như vậy? Bởi vì thực chất để sản xuất loại pháo hoa này cũng có mức độ nguy hiểm về lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực cháy nổ. Nên việc sản xuất ra một số lượng pháo hoa này thì cần phải có những cơ quan, doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn mà phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát, dẫn đến người dân mua hoặc sử dụng trái phép.

Chính vì vậy, trong Nghị định quy định rõ chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp của quân đội được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo hoa và kinh doanh pháo hoa. Người dân khi có nhu cầu sử dụng thì chỉ được phép mua của các doanh nghiệp được phép nghiên cứu, sản xuất, chế tạo và kinh doanh pháo hoa này.

Bộ Công an: Người dân không được sử dụng pháo hoa nổ và pháo nổ - Ảnh 4.


[INFOGRAPHIC]: Người dân được sử dụng pháo hoa trong trường hợp nào? [INFOGRAPHIC]: Người dân được sử dụng pháo hoa trong trường hợp nào?

VTV.vn - Người dân có thể sử dụng pháo hoa trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, kỉ niệm... còn pháo hoa nổ chỉ được sử dụng trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước