Bình xét hộ nghèo, cận nghèo không thể dựa trên... tình làng, nghĩa xóm

Quang Phồn (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 22/03/2021 20:36 GMT+7

VTV.vn - Khi chuẩn nghèo mới được thay đổi, nếu vẫn giữ tư duy như thế, công tác an sinh xã hội ở nhiều địa phương sẽ vẫn gặp nhiều bất cập.

Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận mức chuẩn nghèo mới, cao gấp đôi mức hiện nay. Điều này sẽ khiến cho công tác xóa đói giảm nghèo thay đổi như thế nào?

Hiện nay, tiêu chí cách tính hộ nghèo và cận nghèo là:

- Hộ nghèo: Thu nhập dưới 700.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành phố.

- Hộ cận nghèo: Thu nhập dưới 1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở thành phố.

Mức chuẩn nghèo này khá thấp, chỉ bằng một nửa mức sống tối thiểu nên thống kê hộ nghèo chưa phản ánh đúng thực chất số hộ nghèo ở Việt Nam. Trong khi đó, các hộ được coi là thoát nghèo luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Chỉ một biến động về việc làm hay bệnh tật là một hộ gia đình bình thường sẽ trở thành hộ cận nghèo như câu chuyện tại hai địa phương còn khó khăn của tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa.

Bình xét hộ nghèo, cận nghèo không thể dựa trên... tình làng, nghĩa xóm - Ảnh 1.

Cận nghèo - thoát nghèo: Ranh giới thật… mong manh

Thoát nghèo 3 năm, gia đình mới có chút tích lũy thì năm trước, mệt mỏi đi khám, chị Hoàng Thị Điềm - hộ cận nghèo xã Liên Hội, huyện Văn Quan, Lạng Sơn, được phát hiện mắc u máu. Tháng nào cũng phải về Hà Nội, bạch cầu cao thì ở lại điều trị, bạch cầu xuống thấp thì lấy thuốc về uống. Gần 1 năm đau ốm đã đem hết của nả trong nhà ra đi.

Các thôn, bản hàng năm đều phát sinh hộ nghèo - cận nghèo mới, kể cả các xã nông thôn mới. Như gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vốn ở nhà ngoại ở xã khác. Lúc gia đình chị về quê chồng cũng là lúc thôn có thêm 1 hộ cận nghèo. Ruộng không có, nhà ở nhờ, đồ đạc hiện có có đều được họ hàng cho. Chị sức khỏe yếu nên chỉ loanh quanh, còn thu nhập cả nhà chỉ trông vào người chồng làm phụ xây.

Ở nông thôn, miền núi, thu nhập trồi sụt có thể đẩy hộ vừa thoát nghèo lại quay lại cận nghèo. Mà trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, dự báo số hộ cận nghèo sẽ tăng trong thời gian tới do thiếu việc làm, giảm thu nhập diễn ra ở nhiều địa phương.

Để thoát nghèo không dễ trở lại cận nghèo

Đa phần hộ cận nghèo ra khỏi danh sách nghèo hàng năm chỉ là thoát nghèo theo chuẩn, chứ chưa thoát khỏi tình trạng nghèo đói thực sự. Tới đây, các địa phương sẽ phải rà soát hộ nghèo - cận nghèo theo chuẩn nghèo mới với tiêu chí cao hơn. Theo đó, từ năm 2022, tiêu chí thu nhập với khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng sẽ là hộ nghèo. Chỉ có như vậy mới xác định đúng thực chất hộ cận nghèo.

Bình xét hộ nghèo, cận nghèo không thể dựa trên... tình làng, nghĩa xóm - Ảnh 2.

Bình xét cận nghèo không thể dựa trên tình làng, nghĩa xóm

Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm rất chậm, thậm chí, nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ cận nghèo năm sau cao hơn năm trước đã cho thấy tiêu chí bình xét, chấm điểm hộ cận nghèo quá thấp, dễ ra và cũng dễ vào. Hạn chế lớn nhất của bộ tiêu chí chấm điểm hộ nghèo cũ là tạo điều kiện cho không ít gia đình tìm cách để trở thành hộ nghèo.

Thực tế, không thiếu trường hợp người dân cố tình giấu tài sản, chuyển nhượng hoặc bán đi để giảm điểm hoặc hộ có khả năng nhưng không xây nhà, không mua sắm tài sản, dẫn đến số điểm chấm đạt thấp và đương nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo.

Cùng với đó, nhiều nơi dựa vào tình làng nghĩa xóm để bình bầu thay vì là dựa vào những tiêu chí cụ thể để soi xét cũng tạo nên những con số ảo trong bình xét hộ nghèo. Có những xóm làng đã có những đổi thay trong nhận thức để hộ thực sự nghèo sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước

Gia đình ông Chất nhiều năm là hộ cận nghèo ở Thành Nam. Năm vừa rồi, khi con gái đi lấy chồng, con trai đi làm, gánh nặng nuôi con ăn học không còn. Nhà hiện chỉ còn 2 vợ chồng, vợ thì làm có lương, còn ông ở nhà sữa chữa đồ điện. Thu nhập đủ sống và thôn bình xét đưa gia đình ông khỏi danh sách.

Chuyện giả nghèo, giả khổ ở thôn làng, giờ rất khó. Nhà nào mua gì, sắm gì, thậm chí ăn gì, hàng xóm láng giếng đều biết rõ. Để được bình xét, chấm điểm, thôn làng nào cũng phải họp lên họp xuống nhiều lần, công khai danh sách nhiều ngày để cả thôn biết.

Tuy nhiên, chỉ 1 vụ canh tác được mùa hoặc chuyển đổi giống cây trồng thành công có thể giúp nhiều gia đình thoát nghèo hoặc mất mùa, thiên tai hay bệnh tật thì lại tái nghèo. Các cuộc bình xét không còn cứng nhắc theo thang bảng điểm mà còn có sự so sánh, đánh giá quá trình từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, chuyện bình xét hộ cận nghèo ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng đầy thách thức bởi thu nhập bình quân nhiều nơi chỉ tăng được 1,2 lần so với 5 năm trước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến điệp khúc thoát rồi tái nghèo lặp đi lặp lại.

Số hộ cận nghèo chưa sát với thực tế là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Chỉ có công khai, minh bạch thu thập, mức sống, không nể nang, không mang yếu tố tình làng nghĩa xóm trong bình xét hộ nghèo thì mới góp phần giảm nghèo thực chất.

Nhiều cán bộ địa phương cho biết, nếu thôn làng không đánh giá đúng thu nhập hay mức sống của người hết tuổi lao động ở nông thôn hay thôn làng còn nể nang thì chuyện cận nghèo khó giảm vẫn tồn tại. Chuyện người cho thuê nhà, đi làm thêm, có tiền gửi tiết kiệm hàng trăm triệu đồng vẫn nằm trong danh sách cận nghèo, nhà cao cửa rộng vẫn là hộ nghèo sẽ tiếp diễn.

Quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ thay đổi những điều kiện về hộ nghèo và hộ cận nghèo mà nó còn hướng tới thay đổi nhận thức của từng hộ dân nỗ lực thoát nghèo, công tâm trong bình xét hộ nghèo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước