Bình Định: Triển khai dự án phát triển ngành lâm nghiệp do Đức tài trợ

Thanh Hải-Thứ ba, ngày 03/12/2024 21:31 GMT+7

VTV.vn - Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức được triển khai tại miền đất võ (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Sáng 3/12, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Phát triển Đức làm việc với UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) việc xây dựng dự án "Hỗ trợ Thực hiện Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản tại Việt Nam (VPA/FLEGT)".

Tham dự có bà Phan Thị Thanh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), các chuyên gia tư vấn của KfW, ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, lãnh đạo các phòng, ban,…

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, Dự án được triển khai ở huyện từ năm 2006-2015, diện tích rừng trồng theo Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (DA WB3) đạt trên 3.000 ha, với sự tham gia của 1.781 hộ ở 6 xã, gồm: Tây Thuận, Vĩnh An, Tây Xuân, Bình Thành, Bình Tân, Bình Thuận.

Bình Định: Triển khai dự án phát triển ngành lâm nghiệp do Đức tài trợ - Ảnh 1.

Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Đức sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức.

Tham gia trồng rừng theo DA WB3, nông dân đã được hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt, như việc thiết kế rừng trồng; đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý rừng trồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện giải ngân nhanh nguồn vốn vay để nông dân đầu tư trồng và chăm sóc rừng. 

Ngoài ra, Dự án WB3 đã triển khai các bước ban đầu về đánh giá rừng trồng dự án, tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng cho các hộ tham gia, hỗ trợ một số thiết bị cho công tác bảo vệ rừng (máy thổi gió) ở xã Bình Tân, tuy nhiên khi dự án kết thúc chưa thực hiện hoàn thành được nội dung cấp chứng chỉ rừng.

UBND huyện Tây Sơn cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 1.674 hộ dân với diện tích gần 3.000 ha, giúp người dân yên tâm, có trách nhiệm với diện tích rừng trồng. Rừng trồng các năm đầu triển khai DA đã cho khai thác đạt năng suất, sản lượng khá cao, bình quân từ 85-120 tấn/ha, cá biệt có hộ thu hoạch với sản lượng 130-140 tấn/ha, cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/ha. Đến nay, nhiều diện tích rừng trồng đã khai thác và trồng mới cho chu kỳ thứ 3 trở lên.

Bình Định: Triển khai dự án phát triển ngành lâm nghiệp do Đức tài trợ - Ảnh 2.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các chuyên gia tư vấn của KfW.

Với DA WB3 đã tạo điều kiện cho bà con xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hình thành các nhóm trồng rừng sản xuất; hoạt động quản lý rừng trồng sản xuất có hiệu quả và bền vững; góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, thời tiết miền Trung khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài vào mùa hè, hanh khô, cộng với gió mùa Tây Nam thổi mạnh dễ có nguy cơ gây cháy; mùa mưa thường xuất hiện các cơn bão dễ gây ngã đổ cây trồng, hiện tượng sạt lở đất ở các vùng đất dốc có nguy cơ xảy ra, là những yếu tố tác động lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh tế của hộ dân, doanh nghiệp và việc phát triển và mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Bên cạnh đó, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, với chu kỳ trồng kéo dài từ 10 năm trở lên, sẽ có những ảnh hưởng trước mắc về kinh tế, thu nhập hằng năm của người trồng rừng, khó khăn trong đảm bảo chi phí để trang trải cuộc sống, dẫn đến các hộ có mức thu nhập trung bình chưa mạnh dạn tham gia. Lao động trong trồng rừng sản xuất chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. 

UBND huyện Tây Sơn kiến nghị các đơn vị cấp trên quan tâm triển khai các chính sách của Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính Phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, đặc biệt là về chính sách bảo hiểm trong lâm nghiệp; Tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ vốn cho người dân trồng và quản lý rừng gỗ lớn; đánh giá rừng trồng và cấp chứng chỉ rừng cho các nhóm hộ đủ điều kiện, hoặc hỗ trợ thông qua chuỗi giá trị liên kết sản xuất trồng và tiêu thụ gỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.

Ngoài ra, tiếp tục quan tâm hỗ trợ triển khai các mô hình nông lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài như trồng rừng sản xuất kết hợp trồng cây gỗ lớn, gỗ quý bản địa; trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng,…  phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tập trung đầu tư, thực hiện liên kết, phát triển kinh tế dưới tán rừng, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án trồng rừng gỗ lớn của tỉnh.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực cho cơ quan Kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương nhằm từng bước nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chuỗi cung ứng gỗ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, tăng lợi ích cho những nhóm hộ trồng rừng quy mô nhỏ từ việc quản lý rừng trồng được cải thiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước