Biết rõ có rủi ro, vẫn thỏa hiệp với an toàn

Quỳnh Hương-Thứ sáu, ngày 31/05/2024 08:54 GMT+7

VTV.vn - Rủi ro về an toàn sức khỏe, tính mạng trong mắt nhiều người, là điều xảy ra do không may. Nhưng thực tế, rủi ro an toàn luôn tồn tại trong cuộc sống.

Có những rủi ro xảy ra do yếu tố biến đổi của tự nhiên, của xã hội, bệnh dịch mà ta không lường trước được, nhưng phần nhiều, rủi ro là hệ quả của những sai sót trong quy trình, trong hành vi đã nhìn thấy.

Thỏa hiệp với an toàn

Những vụ tai nạn lao động thương tâm, các vụ cháy lớn gây chết nhiều người, những vụ tai nạn giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không… xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua. Dưới phần bình luận của các bài đưa tin, ngoài những "comment" bày tỏ sự lo lắng hoặc thương cảm cho những nạn nhân, những câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng, thì không ít những bình luận cho rằng vụ việc xảy ra do không may.

Biết rõ có rủi ro, vẫn thỏa hiệp với an toàn - Ảnh 1.

Điều này không quá xa lạ, bởi với chúng ta, tư duy rằng những chuyện rủi ro xảy ra do lỗi ngoài thân, do "số". Các vấn đề "lỗi ngoài thân" có thể kể tới là do điều kiện kinh tế xã hội. Ví dụ như biết là có rủi ro cháy nổ, nhưng vì không có đủ ngân sách, thời gian đầu tư cho trang thiết bị cháy nổ, nên chấp nhận. Biết là có rủi ro thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động (PPE-Personal Protective Equipment) nhưng vẫn tham gia vào quá trình vận hành máy móc. Biết là chưa nắm đầy đủ quy trình và được đào tạo các kiến thức về an toàn, vẫn tiến hành công việc, với tinh thần cứ lao vào làm rồi học, rồi biết. Biết là vượt đèn đỏ, đi sai làn đường có thể dẫn đến va chạm giao thông, nhưng vì vội, vì "tranh thủ một tí, nhiều người vẫn đi có sao đâu. Đen thôi, đỏ quên đi…"

Không thể phủ nhận, những câu chuyện, bài học đúc rút về những sự vụ đã xảy ra đã khiến mỗi người dân tăng thêm nhận thức về những hiểm họa xảy ra trong đời sống, lao động. Nhưng biết, sợ là một chuyện, còn việc tuân thủ, thực thi và hành động để tạo ra một môi trường an toàn hơn, thì chưa. Chúng ta vẫn tồn tại tư duy thỏa hiệp, bào chữa và đổ lỗi.

Có một thực tế, chính những hành động tưởng như nhỏ nhặt hàng ngày lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc gây mất an toàn cho cộng đồng: không tuân thủ biển báo, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, sử dụng rượu bia… chiếm 80% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (theo số liệu cung cấp 6 tháng đầu năm 2023 của Cục CSGT); Cháy nổ do hàn xì, rò khí gas, thiết bị sạc điện… là nguồn cơn của nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm… mà nếu chỉ cần tuân thủ các tiêu chuẩn và hướng dẫn an toàn trong mỗi hành động, chúng ta sẽ tránh được các nguy cơ tiềm tàng.

Thiếu các thông tin hệ thống và trực quan về thực hành an toàn

EHS - Environmental, Health, and Safety (Môi trường, Sức khỏe, và An toàn) là một khái niệm ra đời từ lâu nhưng còn khá mới lạ với đại đa số dân chúng.

Trao đổi với một chuyên gia về an toàn (EHS Management Director), rủi ro tiềm tàng trong đời sống luôn hiện hữu. Bước quan trọng đầu tiên, đó là chúng ta có đủ kiến thức và trải nghiệm để nhận diện được nó. Biết được những hành vi, thói quen nào có thể tạo ra rủi ro, chúng ta tránh không làm. Nhưng không phải những người khác cũng có thể nhận diện được rủi ro ở cùng tiêu chuẩn như chúng ta. Vì vậy, cần có bộ tài liệu để giúp xác định, phân loại mức độ của các rủi ro.

Tại nhiều doanh nghiệp, đã có các bộ phận quản trị an toàn lao động. Họ tập hợp các chuyên gia, giúp xác định, khoanh vùng và phân loại các rủi ro. Từ đó xây dựng sổ tay an toàn, gồm các nguyên tắc, chính sách, quy trình để dự báo, thực hành và tuân thủ trong an toàn. Họ sử dụng các bộ công cụ đánh giá, kiểm soát và liên tục cải tiến các biện pháp đảm bảo an toàn, trên nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật, Phòng ngừa và kiểm soát, Sự tham gia của người lao động, Cải tiến liên tục dựa trên phản hồi thực tế, Trách nhiệm và cam kết - trong đó, vai trò nêu gương của các cấp lãnh đạo là điều tiên quyết.

Biết rõ có rủi ro, vẫn thỏa hiệp với an toàn - Ảnh 2.

Để quản trị EHS thực sự đi vào đời sống hàng ngày, chúng ta cần xây dựng các nguyên tắc, quy trình mang tính thực tiễn, trực quan, để mọi người đều dễ làm, dễ ứng dụng và trở thành tư duy, nếp sống. Việc thỏa hiệp với an toàn là tư duy không thể tồn tại, bởi đây là tác nhân chính khiến chúng ta loại bỏ nhiều hành động quan trọng trong việc xây dựng các biện pháp quản trị an toàn.

Nói như vậy, không có nghĩa cứ làm EHS là nhìn đâu cũng thấy rủi ro, cũng thấy tai nạn khiến chúng ta sợ. Mà hệ thống EHS sẽ giúp chúng ta nhận diện tốt các nguy cơ và lựa chọn đúng các hành động, biện pháp để bảo vệ.

Tuyên truyền là không đủ, cần đào tạo, diễn tập định kỳ và thực hành liên tục

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, chỉ trong tháng 1/2024, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 194 vụ cháy, sự cố gây cháy, trong đó số vụ cháy xảy ra tập trung nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao (87/194 vụ ~ 44,8% tổng số vụ cháy, sự cố gây cháy). Mức tăng đáng kể so với cả năm 2022 khi chỉ có 387 vụ cháy trên địa bàn (số liệu từ Tổng cục thống kê). Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra rạng sáng ngày 24/5/2024 tại Trung Kính Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng, cháy tại Phú Lương Hà Đông ngày 30/5/2024…

Trang thiết bị phòng cháy cơ động tại các con ngõ sâu tại thủ đô là có, người dân cũng sẵn sàng tham gia giúp sức trong các vụ cháy, các thông tin tuyên truyền cũng diễn ra thường xuyên hơn. Các thông tin hướng dẫn có thể dễ dàng tiếp cận qua báo chí, internet… Tuy vậy, khi thực sự xảy ra cháy nổ, phần đông chúng ta vẫn lúng túng không biết cách sử dụng các trang thiết bị hay cách thức thoát hiểm. Lý do là chúng ta nắm lý thuyết, nhưng thiếu thực hành. Công tác diễn tập phòng cháy chữa cháy tại nhiều nơi còn mang tính phong trào, nhiều người tham gia diễn tập vì bắt buộc chứ không thực sự vì lý do đó là kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.

Vụ việc khi xe đưa đón học sinh đi học bỏ quên các cháu một mình trên xe, xảy ra không chỉ một lần, nhưng vừa mới lặp lại thương tâm ở Thái Bình. Nếu tài xế, trường học, thầy cô làm đúng các bước kiểm soát an toàn bao gồm nhận diện các rủi ro có thể xảy ra, kiểm tra, kiểm soát tại từng khâu, phân rõ trách nhiệm từng người trong quy trình đưa đón, thì chúng ta có lẽ không phải thốt lên hai chữ "giá như".

Tại các trường học, thiết nghĩ cần đưa chương trình học về an toàn cơ bản trong các chương trình bắt buộc nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức và kỹ năng thực tế, phát triển kỹ năng sống và tạo môi trường an toàn hơn.

Tại các tổ dân phố, làng xã, nên xây dựng đội phản ứng nhanh được đào tạo, tập luyện, giám sát và tổ chức hướng dẫn diễn tập, xây dựng sổ tay an toàn trực quan cho dân chúng.

Tại các nhà máy, công ty, vai trò của quản trị rủi ro vận hành, hoạt động và chuyên gia an toàn cần được nâng cao, với sự làm gương của các cấp lãnh đạo.

Cần đưa nhận thức và quản trị an toàn trở thành văn hóa, nếp sống, không phải để chúng ta nhìn đâu cũng thấy rủi ro, mà để mỗi người dân nhận thức được các hành động bảo vệ cho chính bản thân là hành động vì cộng đồng, và loại bỏ đi tư duy Thỏa hiệp với an toàn, với sức khỏe và tính mạng của chính chúng ta.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước