Biến tướng mua bán nợ

Liên Liên, Minh Đức-Thứ sáu, ngày 17/03/2023 19:50 GMT+7

VTV.vn - Ngay khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm thì lập tức xuất hiện một dịch vụ khác là "Mua bán nợ" - một hành vi núp bóng để thực hiện đòi nợ kiểu xã hội đen.

Núp bóng công ty mua bán nợ để đòi nợ thuê

Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 đã đưa ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Nhưng ngay khi dịch vụ đòi nợ thuê bị khai tử, lập tức đã xuất hiện một dịch vụ khác là mua bán nợ.

Đây là hoạt động giao dịch kinh tế - tài chính để trao đổi và chuyển nhượng khoản nợ từ cá nhân này sang cá nhân khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, tổ chức này sang tổ chức khác mà thực chất, đây là việc chuyển nhượng lại "quyền thu hồi nợ" từ bên bán nợ (chủ nợ) sang công ty mua nợ.

Những tưởng sau khi pháp luật khai tử loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì sẽ không còn những cảnh đòi nợ kiểu xã hội đen. Nhưng không, thực tế vẫn tiếp diễn khi nhiều công ty đòi nợ thuê đã đổi tên thành công ty mua bán nợ.

Biến tướng mua bán nợ - Ảnh 1.

Đăng ký kinh doanh là hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng thực tế hàng trăm nhân viên ở các công ty này lại là lao động phổ thông. Mục đích là núp bóng nhằm thực hiện việc đe dọa, khủng bố người khác để đòi nợ.

Công ty thành lập từ tháng 8/2020, mục đích hợp tác, cung cấp dịch vụ thu hồi nợ cho các đối tác là công ty tài chính và các ngân hàng.

Phương thức hoạt động của các công ty này là sau khi tiếp nhận hồ sơ vay nợ từ phía đối tác, nhóm đối tượng đòi nợ thuê sẽ tiến hành thu thập mở rộng thông tin của người vay và các quan hệ là người thân, đồng nghiệp, bạn bè của người vay để phục vụ cho các kịch bản đòi nợ.

Hoạt động đòi nợ của các đối tượng thường chia làm 3 giai đoạn là gọi điện, nhắn tin đến người vay, người thân để tác động; tiếp đến là sử dụng số ẩn danh để chửi bới đe doạ; cuối cùng là phát tán thông tin, hình ảnh xuyên tạc, xúc phạm danh dự khách hàng vay, người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhằm gây áp lực trả nợ. Một số đối tượng còn sử dụng các hình thức cực đoan khác như tạt sơn, ném chất bẩn, đe dọa đánh, giết...

Cơ quan công an cho biết, đây là đường dây tội phạm có tổ chức, có sự phân công vai trò trách nhiệm từ đối tượng cầm đầu, chủ mưu nên quá trình điều tra xác minh các đối tượng hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, hành vi của các đối tượng manh động, liều lĩnh, có dấu hiệu đe dọa giết người, bản chất là cưỡng đoạt tài sản.

Thực tế, hầu hết "tiền thân" của các công ty mua bán nợ là công ty đòi nợ thuê. Thủ đoạn hoạt động, cấu trúc của các ổ nhóm tội phạm hoạt động dưới vỏ bọc là các công ty kinh doanh.

Triệt phá hàng loạt công ty đòi nợ thuê núp bóng mua bán nợ

Thời gian vừa qua, Bộ Công an và công an các địa phương đã triệt phá 15 công ty với nhiều tên gọi khác nhau như: Công ty mua bán nợ, Công ty thu hồi nợ, Công ty Luật hoạt động dưới hình thức đòi nợ thuê bằng việc thực hiện khủng bố tinh thần và cưỡng đoạt tài sản.

Biến tướng mua bán nợ - Ảnh 2.

Từ giữa năm 2018 đến hết năm 2022, các công ty mua bán nợ đã thu mua hơn 335.000 hợp đồng vay tiền của khách với tổng dư nợ hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, các đối tượng đã đòi được hơn 500 tỷ đồng. Đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, thu giữ số tiền 593 triệu đồng; nhiều máy móc, tài liệu liên quan.

Trước đó, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp Công ty Luật TNHH Pháp Việt tại TP Hồ Chí Minh và thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố và cưỡng đoạt tài sản, mời làm việc với 133 đối tượng có liên quan.

Thiếu cơ chế quản lý hoạt động mua bán nợ

Mua bán nợ bằng hợp đồng mua bán không bị pháp luật ngăn cấm, các quyền và nghĩa vụ do hai bên tự thỏa thuận, nhưng không được để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật khi đòi nợ. Nhưng thực tế cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong cơ chế quản lý đối với các công ty sau khi mua bán nợ cũng như trong công tác quản lý thuê bao di động nên đã trở thành những nguyên nhân dẫn tới những hệ luỵ phức tạp trong đòi nợ.

Biến tướng mua bán nợ - Ảnh 3.

Theo quy định, các công ty sau khi mua nợ chỉ được phép dừng lại ở việc thông báo đòi nợ và yêu cầu trả nợ. Nếu người nợ không trả thì có quyền khởi kiện ra tòa án. Việc đòi nợ không được gây áp lực bằng việc khủng bố, đe doạ dưới bất cứ hình thức nào.

Trong số tang vật mà cơ quan công an thu giữ có hàng nghìn sim rác, đây là phương tiện để các đối tượng thực hiện hành vi đe dọa người vay và những người không liên quan đến khoản vay.

Ngoài việc không kiểm soát chặt chẽ sim rác thì thiếu cơ chế quản lý đối với các công ty hoạt động không đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là nguyên nhân dẫn đến tình tạng các đối tượng lợi dụng công ty có pháp nhân mua bán nợ, công ty luật để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước