PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 10, thời tiết chuyển lạnh nên số bệnh nhân đến khám và nhập viện do bệnh hô hấp tăng nhiều so với các tháng trước. Trong đó, chủ yếu là bệnh cấp tính như viêm phổi, viêm mũi - họng - phế quản với các triệu chứng gần giống nhau, khó phân biệt. Bệnh không được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời dễ tái phát, chuyển thành mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.
Thời tiết hanh khô kèm nhiệt độ thay đổi thất thường dễ khiến các bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tăng tỷ lệ tái phát và tiến triển nặng. Nhiều ca nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng do điều trị không đúng, tự ý dừng thuốc hoặc chủ quan trong dự phòng.
Vậy, làm thế nào để phân biệt chính xác các bệnh lý đường hô hấp? Quản lý bệnh hen suyễn, COPD như thế nào để tránh tái phát mùa đông? Điều trị hiệu quả viêm mũi - họng - phế quản bằng cách nào? Các biện pháp phòng bệnh hô hấp mùa đông hữu hiệu là gì? Mọi thắc mắc của độc giả sẽ được các chuyên gia giải đáp trong chương trình Tư vấn trực tuyến vào lúc 20h00 ngày 25/10/2022 với chủ đề: "Bệnh hô hấp mùa đông: Hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, viêm mũi - họng - phế quản".
Cùng theo dõi, đặt câu hỏi và lắng nghe giải đáp từ các chuyên gia hàng đầu của BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
- PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp;
- PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng;
- ThS.BS Đặng Thành Đô, Bác sĩ khoa Hô hấp.
Phòng ngừa, phát hiện và điều trị hiệu quả các bệnh hô hấp mùa đông
Thời tiết giao mùa thu đông, nhiệt độ thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp hoạt động mạnh. Các bệnh cấp tính như viêm mũi họng phế quản, viêm phổi và bệnh mạn tính dễ tái phát như hen phế quản, COPD... có những đợt cấp, dễ trở nặng gây nguy hiểm tính mạng.
Tại Khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh mắc hen suyễn, COPD tái phát, thậm chí nguy kịch. Lớp chất lỏng bao phủ bề mặt niêm mạc phế quản bị khô nhanh do hít thở không khí lạnh khô, không kịp tái tạo dẫn đến kích ứng. Các tác nhân bất lợi như khói bụi, vi khuẩn, virus có cơ hội xâm nhập dẫn đến viêm, khiến bệnh trở nặng. Các trường hợp này cần nhận biết và xử trí kịp bằng thuốc cắt cơn, kháng viêm, tránh diễn tiến xấu như khó thở dẫn tới giảm oxy máu, thiếu máu não, mất ý thức dẫn tới tử vong. Nhiều người bệnh có tâm lý chủ quan, tự ý dừng thuốc khi thấy triệu chứng giảm hoặc sợ tác dụng phụ của thuốc kháng viêm dẫn tới nguy cơ gặp cơn hen cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng.
Tại BVĐK Tâm Anh, các bác sĩ kết hợp giữa nội khoa và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng phổi như phương pháp tập hít thở, vỗ rung, vận động trị liệu làm sạch đường thở… giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh hô hấp mạn tính. Nhờ phác đồ này, hầu hết người bệnh đều cải thiện triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng khi thay đổi thời tiết.
PGS Hạnh khuyến cáo, tuân thủ phác đồ điều trị và lịch tái khám, tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu, ho gà, COVID-19, thực hiện các biện pháp bảo vệ đường hô hấp... là yếu tố quan trọng giúp điều trị ổn định bệnh hô hấp, tránh tái phát do tác động của thời tiết và môi trường. Những người không mắc bệnh cũng cần bảo vệ sức khỏe bởi thời điểm này có nhiều yếu tố kích thích đường thở như phấn hoa, bụi khói, không khí khô hanh có thể là tác nhân khởi phát bệnh hô hấp.
Bên cạnh các bệnh hô hấp, người bệnh nhập viện điều trị viêm mũi, họng tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội tăng 30% so với tháng trước. Theo PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai mũi họng, BVĐK Tâm Anh cho biết, mũi họng dễ bị tổn thương do tác động đột ngột của thời tiết. Nếu không điều trị đúng cách, nhiễm trùng lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm phổi với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người dân thường có tâm lý chủ quan khi xử trí bệnh mũi họng, thường điều trị tại nhà, tự mua thuốc uống thay vì thăm khám. Thói quen này dẫn tới lạm dụng kháng sinh, thuốc chống co mạch điều trị ngạt mũi, tự dùng các bài thuốc truyền miệng không có cơ sở khoa học. Nhiều ca tự ý dùng thuốc khiến bệnh chuyển biến nặng gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị do bệnh đã chuyển mạn tính.
PGS Kỳ nhấn mạnh, phát hiện chính xác nguyên nhân bằng kinh nghiệm của bác sĩ với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại như nội soi, chụp CT-scan, điều trị đúng phác đồ là điều kiện tiên quyết giúp các bệnh mũi họng phế quản tránh tái phát. Khi có triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.
Các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm trong phát hiện và điều trị hiệu quả các bệnh lý hô hấp và tai mũi họng của BVĐK Tâm Anh Hà Nội sẽ trực tiếp giải đáp mọi thắc mắc, chia sẻ các thông tin y khoa hữu ích đến độc giả trong Livestream: "Bệnh hô hấp mùa đông: Hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, viêm mũi - họng - phế quản". Cùng theo dõi chương trình phát sóng trực tiếp trên Báo điện tử VTV, thanhnien.vn, website vnvc.vn, website tamanhhospital.vn.
Livestream trên ứng dụng VTVGo của Đài truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Tiếp sóng trên kênh YouTube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, YouTube Báo Thanh Niên, fanpage Báo điện tử VnExpress.net, fanpage Báo Thanh Niên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!