Theo Tổ chức Y tế thế giới, trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất toàn cầu. Trong đó, có từ 10% đến 20% số phụ nữ trên toàn thế giới mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Còn ở Việt Nam, tỉ lệ này có thể lên tới 33%. Cứ 10 người thì 3 người có nguy cơ mắc phải.
Tỷ lệ cao của trầm cảm sau sinh được lý giải có thể do các tục lệ kiêng khem theo truyền thống của người Á Đông, sự thiếu kiến thức về trầm cảm sau sinh trong cộng đồng hoặc ở nhiều nơi không có sẵn hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh, nghe thì có vẻ chỉ là những triệu chứng bất thường về mặt cảm xúc nhưng căn bệnh này đã gây ra rất nhiều những câu chuyện đau lòng.
Liên tiếp những sự việc đau lòng vì trầm cảm sau sinh
Một cô gái trẻ được chuẩn đoán mắc bệnh trầm cảm sau sinh khi mới 19 tuổi. Em phải tạm gác lại việc học, vội vàng kết hôn vì mang bầu. Để rồi sau đó cuộc sống của em, chỉ còn là những ngày tháng mất ăn, mất ngủ.
"Chồng em chỉ chơi điện thoại, không quan tâm gì đến con. Em thức đến 3 giờ sáng mới ngủ được. Không muốn ăn bất cứ một cái gì, mình chỉ có muốn ngồi khóc. Hai vợ chồng cũng cãi lộn rồi giờ thì mỗi người một nơi" - cô gái trẻ chia sẻ.
Sự bất ổn trong tâm lý của những người mắc chứng trầm cảm sau sinh không chỉ đến từ những mâu thuẫn gia đình, mà còn từ áp lực trong công việc.
Từng được đưa đi khám và có chỉ định nhập viện, nhưng một nữ giáo viên không chấp nhận. Chứng loạn thần còn khiến chị không nhận thức rõ ràng về hành vi dìm chết hai đứa con của mình xuống sông. Chỉ đúng 2 tháng sau khi vụ án chấn động do người phụ nữ này gây ra, trên địa bàn tỉnh đã lại diễn ra 1 vụ án khác tương tự, mà nạn nhân của người mẹ trầm cảm cũng là con ruột của mình.
"Sinh cháu thứ 2 được một thời gian thì tôi gặp ác mộng. Mơ hai mẹ con đều bị chết cả. Rồi những giấc mơ sau đấy rất khủng khiếp. Tôi sợ giấc ngủ, sợ ngủ dậy không biết mình là ai. Tôi lo cho cháu lắm. Tôi nghĩ cháu bị ảnh hưởng tư tưởng giống như tôi. Một đứa trẻ mà bị thế thì chẳng bệnh viện nào cứu chữa được" - người phụ nữ chia sẻ.
Nỗi lo sợ khiến người phụ nữ này không làm chủ được bản thân. Và rồi bé trai mới chỉ hơn 1 tháng tuổi, đã bị chính mẹ đẻ siết cổ đến chết. Sau khi sự việc xảy ra, người phụ nữ đã từng nhiều lần tự tử nhưng bất thành.
Trầm cảm sau sinh - Hiểm hoạ ít được cảnh báo
Với những người ngoài cuộc khi biết đến những bi kịch này thì thường chỉ quan tâm đến hành vi dại dột của người mẹ, chứ ít người thực sự hiểu về căn nguyên và nâng cao ý thức với căn bệnh trầm cảm sau sinh. Theo các chuyên gia y tế, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức, nhưng hiện nay đa phần lại chưa được quan tâm phát hiện và can thiệp kịp thời.
Rất nhiều trường hợp chỉ sau khi diễn ra sự việc đau lòng, người nhà mới hay biết người thân của mình đã mắc bệnh. Chưa từng nghe về căn bệnh trầm cảm sau sinh, nên cũng chưa ai nghĩ về những dấu hiệu lạ. Cũng vì không lường trước được sự nguy hiểm của bệnh trầm cảm sau sinh, mà những kết cục đau lòng đã xảy đến.
Trầm cảm sau sinh cần phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
Trầm cảm sau sinh là căn bệnh rất nguy hiểm, không nhiều người biết tới và lại thường bị xem nhẹ bởi chính những người thân xung quanh người bệnh. Dĩ nhiên, chúng ta có thể nói đây là căn bệnh về tâm lý nên nếu không có chuyên môn thì khó nhận biết được mức độ nghiêm trọng của nó, trong khi nhìn bề ngoài vẫn thấy vợ hay mẹ của mình khỏe mạnh. Đó chính là lý do khi thấy người phụ nữ sau sinh trong gia đình có những biểu hiện khác lạ trong cảm xúc, dù là nhỏ thôi, cũng hãy đưa họ đến gặp các bác sĩ tâm lý.
"Tất cả các phụ nữ đều có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh, đặc biệt những phụ nữ có tiền sử trầm cảm, hoặc có người thân bị trầm cảm, hoặc có các yếu tố căng thẳng trong thời kì mang thai cũng như sau sinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân của bệnh trầm cảm sau sinh là sự tương tác phức tạp giữa yếu tố gen, tâm lý và môi trường" - Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Nguyễn Kim Anh - Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Hiện nay rất nhiều những trường hợp chưa được quan tâm phát hiện và can thiệp kịp thời. Khi đó:
- Bệnh từ mức độ nhẹ, trung bình có thể trở thành nặng, có triệu chứng loạn thần, điều trị khó khăn
- Bệnh cũng có khả năng trở thành mạn tính, phải điều trị lâu dài
Thậm chí để lại những hậu quả nặng nề:
- Người phụ nữ có thể cảm thấy buồn chán, bi quan bế tắc hoặc cho rằng mình có lỗi với mọi người nên tự sát để giải thoát
- Họ có thể nghĩ rằng việc sinh con là hoàn toàn sai lầm, đứa trẻ là nguyên nhân cho mọi đau khổ của họ dẫn đến hành vi làm hại con.
Nỗi đau khó chữa lành
Những người mẹ có hành vi sát hại con mình hiện vẫn đang bị tam giam. Trường hợp kết quả giám định xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội, thì Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án. Người mẹ sẽ bị áp dụng các biện pháp bắt buộc để chữa bệnh. Đã có quá nhiều những câu chuyện kinh hoàng và đau lòng xuất phát từ một căn bệnh chưa được xã hội quan tâm đúng mức, và nó cũng để lại vô số những nỗi đau… khó chữa lành.
Hình phạt cho những người mẹ chưa có, nhưng tự họ đã luôn có bản án dành cho mình. Hàng ngày, những người mẹ phải đối diện với toà án lương tâm và pháp luật. Còn ở ngoài kia, gia đình họ cũng đang phải đối mặt với bản án của người đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!