Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn gia tăng

Gia Hưng-Thứ bảy, ngày 04/03/2023 19:10 GMT+7

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch bẩm sinh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

VTV.vn - Ước tính có khoảng 50 triệu người trưởng thành trên thế giới mắc bệnh tim bẩm sinh và con số này đang có xu hướng tăng dần mỗi năm.

Bệnh lý tim bẩm sinh ở người lớn được chia thành 2 nhóm: Nhóm những em bé bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật sau sinh, có cơ hội lớn lên, phát triển thành người lớn; và Nhóm những em bé mắc bệnh tim bẩm sinh lúc nhỏ nhưng triệu chứng không rõ ràng, đến khi trưởng thành mới phát hiện có bệnh tim bẩm sinh.

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, bệnh tim bẩm sinh ở người lớn trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng gia tăng là do những tiến bộ trong điều trị, phẫu thuật tim bẩm sinh. Trước đây vì thiếu thốn máy móc, kỹ thuật hạn chế nên không thể điều trị những trường hợp khó, nhiều em bé tử vong trước khi được can thiệp. Ngược lại, sau này y học phát triển, điều kiện tốt hơn, nhiều em bé được cứu và trả lại cuộc sống gần như bình thường, sống khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành.

Bệnh tim bẩm sinh thường phát hiện sớm ở trẻ em. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phát hiện muộn ở độ tuổi trưởng thành, thậm chí trên 50-70 tuổi. Ông Khoa (52 tuổi, ngụ quận 1, TP. Hồ Chí Minh) tình cờ phát hiện bệnh tim bẩm sinh van 2 lá có 2 lỗ van khi đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ, bản thân khỏe mạnh, khám tổng quát 6 tháng/lần, từng siêu âm tim ở nhiều nơi nhưng không phát hiện tim bất thường. Ông cũng không có triệu chứng khó chịu.

Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn gia tăng - Ảnh 1.

Kỹ thuật siêu âm tim tiên tiến có thể phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ tuần thai 16. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, cho biết, các bệnh tim bẩm sinh thường được phát hiện ở người lớn như: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, hẹp eo động mạch chủ, tim một thất chức năng... Người bệnh có thể gặp triệu chứng như: dễ mệt khi gắng sức; tím môi, tay chân khi gắng sức; đặt tay lên tim nghe tiếng tim đập bất thường… Nếu bệnh không điều trị sớm có thể viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, suy tim, đột quỵ tim, thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, một số dạng bệnh tim bẩm sinh không có triệu chứng, hay từng thông tim can thiệp hoặc phẫu thuật tim lúc nhỏ, không tái khám, tự ý bỏ thuốc khiến bệnh trở nặng ở tuổi trưởng thành. Như trường hợp chị Mỹ Hằng (27 tuổi, Nha Trang) phát hiện thông liên thất khi mang thai cách đây ba năm. Sau sinh, chị không tái khám vì không thấy triệu chứng khó chịu. Gần đây, chị mệt nhiều, da xanh, khó thở (nhất là khi gắng sức) nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám. Kết quả cho thấy lỗ thông liên thất đã tiến triển, kích thước lớn hơn 30mm gây biến chứng, không thể phẫu thuật.

Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn gia tăng - Ảnh 2.

ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên và ekip đang phẫu thuật sửa dị tật tim bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trong những năm gần đây, sự phát triển của siêu âm tim và phổ cập kiến thức về siêu âm tim cho các bác sĩ trong ngành, đặc biệt là cho bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và sản phụ khoa, đã giúp tầm soát phát hiện dị tật tim bẩm sinh từ tuần 16 thai kỳ. Nhờ đó, bác sĩ đưa ra kế hoạch theo dõi chặt chẽ đến khi sản phụ chuyển dạ, sinh con và can thiệp, phẫu thuật sau sinh thuận lợi hơn.

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Chuyên gia phẫu thuật tim bẩm sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, trải qua 30 năm phẫu thuật tim bẩm sinh đã có nhiều tiến bộ trong điều trị tại Việt Nam. Hiện nay, đội ngũ y bác sĩ có thể điều trị được 95 - 98% bệnh lý tim bẩm sinh, tỷ lệ tử vong dưới 2%. Tuy nhiên, dù đã phẫu thuật lúc nhỏ, bệnh nhi tim bẩm sinh vẫn cần được theo dõi kỹ và khi lớn lên cũng có thể cần phẫu thuật lại.

"Tại Bệnh viện Tâm Anh, với kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn - đường mổ nhỏ, kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống giảm đau, chăm sóc hậu phẫu riêng biệt, bệnh nhi cai máy thở sau vài giờ, rời phòng hồi sức sau một ngày và xuất viện sau 3 ngày", bác sĩ Viên cho hay.

Theo các chuyên gia, nhóm bệnh tim bẩm sinh có luồng thông ở trong tim (thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch…) có tỷ lệ di truyền từ 5-10% nếu bố hoặc mẹ bị bệnh tim bẩm sinh. Trường hợp cả bố và mẹ bị bệnh tim bẩm sinh thì tỷ lệ con mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, những bệnh lý cơ tim giãn nở, cơ tim phì đại… di truyền từ mẹ hoặc bố với tỷ lệ lên đến 50%.

"Hơn 90% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể sống khỏe mạnh nếu phát hiện, điều trị sớm, theo dõi chặt chẽ sau điều trị", bác sĩ Vũ Năng Phúc nhấn mạnh. Do đó, việc tầm soát từ trong bào thai và ngay sau sinh giúp can thiệp kịp thời, giảm thiểu biến chứng tim bẩm sinh nguy hiểm ở tuổi trưởng thành. Người từng phẫu thuật cần uống thuốc, tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt và tái khám định kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước