Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao hơn các năm trước

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 20/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Để hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế thực hiện phân tuyến điều trị dựa trên kinh nghiệm điều trị COVID-19.

TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc cao nhất trong vòng 50 năm

Dù đã sang nửa cuối tháng 10, nhưng dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt", thậm chí vẫn tiếp tục gia tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực phía Nam. Năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm nóng nhất về sốt xuất huyết thời điểm này. Số ca mắc cao nhất trong vòng 50 năm, số ca tử vong cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trước tình hình đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phải phân tầng điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết để hạn chế số ca tử vong xuống mức thấp nhất.

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có trên 62.000 người mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 7 lần so với năm ngoái và 26 ca tử vong. Theo các chuyên gia, nhiều trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chính thức ban hành văn bản áp dụng mô hình phân tầng để điều trị sốt xuất huyết. Gồm 3 tầng:

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao hơn các năm trước - Ảnh 1.

Tầng 1: Các phòng khám tại trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa chuyên khoa.

Nhiệm vụ của tầng này là chẩn đoán kịp thời sốt xuất huyết, đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ. Không lạm dụng truyền dịch và cần chuyển người bệnh sớm khi có dấu hiệu cảnh báo.

Tầng 2: Bệnh viện tuyến huyện, đa khoa khu vực, đa khoa tuyến thành phố, các bệnh viện đa khoa tư nhân.

Nhiệm vụ của tầng này chịu trách nhiệm phát hiện sớm ca bệnh điều trị tích cực, hoặc chuyển người bệnh lên tầng ba khi không đáp ứng điều trị. Tuyệt đối không chuyển người bệnh khi chưa liên hệ được tầng ba.

Tầng 3: Bệnh viện chuyên khoa Nhiễm, và các bệnh viện đa khoa tuyến cuối.

Nhiệm vụ của tầng này là thành lập các đơn vị hồi sức, tập trung điều trị ca nặng. Hỗ trợ điều trị cho các tuyến dưới.

Sở Y tế TP lưu ý, việc áp dụng phân tầng trong điều trị sốt xuất huyết có điểm khác so với điều trị COVID-19 là không chuyển ngược người bệnh về tầng thấp hơn. Sở Y tế TP yêu cầu, các bệnh viện tăng cường kết nối với Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết của Sở Y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho công tác điều trị sốt xuất huyết.

Phân tuyến điều trị dựa trên kinh nghiệm điều trị COVID-19

Không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đều đang chứng kiến sự gia tăng phức tạp của sốt xuất huyết.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 6800 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Dịch sốt xuất huyết đang lan rộng trên nhiều địa bàn của tỉnh Quảng Bình. Hiện đã có hơn 4.700 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Sự chủ quan của một bộ phận người dân cũng như tình trạng thiếu hóa chất làm cho công tác xử lý, phòng ngừa dịch bệnh gặp không ít khó khăn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao hơn các năm trước - Ảnh 2.

Cần diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Nhiều tỉnh ở Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk… có số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay sốt xuất huyết đã lan rộng ra nhiều huyện/thành phố ở Lâm Đồng lẫn Đắk Lắk, kéo theo đó là nhiều ca bệnh có chuyển biến nặng. Các cơ sở y tế phải nỗ lực điều trị kịp thời để giảm tối đa tỉ lệ tử vong.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều ca chuyển biến nặng là do nhập viện quá muộn. Có lẽ do triệu chứng ban đầu của bệnh cũng giống với những bệnh nhiễm siêu vi khác như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ…

Trước số ca mắc tăng nhanh, thời gian qua Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các sở y tế thực hiện phân tuyến điều trị tránh tình trạng quá tải tuyến trên và lây nhiễm chéo, đồng thời có các giải pháp về trang thiết bị vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh.

Để hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế thực hiện phân tuyến điều trị dựa trên kinh nghiệm điều trị COVID-19. Việc phân tuyến điều trị sẽ giúp việc quản lý, điều phối người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh điều trị đúng mức độ tránh quá tải tại tuyến cuối.

Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, chưa ghi nhận có sự thay đổi về độc lực hay biến thể đối với các type Dengue lưu hành tại Việt Nam.

Liên quan đến cao phân tử điều trị các ca sốt xuất huyết nặng, Công ty dược phẩm TW1 đã nhập về 1.500 túi Dextran và đã chuyển giao cho các tỉnh để điều trị. Đồng thời công ty đang tiếp tục duyệt đơn hàng 2.100 túi và đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để mua sản phẩm này.

Sốt xuất huyết nằm trong danh sách những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xảy ra theo mùa và gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên toàn thế giới, chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, cùng với ngành y tế, giải pháp được xem có ý nghĩa hết sức quan trọng là nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại cộng đồng, nhất là khu vực phía Nam với khí hậu đặc thù là nơi phân bố dày đặc muỗi vằn- trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là TS. BS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước