Với nhiều bệnh nhân ung thư, việc thiếu thuốc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng mà còn gây kiệt quệ cả về kinh tế cho nhiều gia đình.
6 tháng trước, bà Thư có kết quả ung thư phổi giai đoạn 4. Các con đã động viên bà vượt qua khó khăn, sự lạc quan với bà chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 tháng vì thông tin "hết thuốc điều trị trong Bảo hiểm Y tế" tại Bệnh viện K. Mặc dù rất lo lắng nhưng để kéo dài sự sống, gia đình bà vẫn quyết định mua thuốc bên ngoài với giá gần 30 triệu đồng/lọ.
Hàng trăm bệnh nhân ung thư tại xóm trọ cũng đang thấp thỏm chờ đợi để được truyền hóa chất, xạ trị và thậm chí là chờ thêm kết quả xét nghiệm trước khi có phác đồ điều trị. Thời gian chờ kéo dài ít là một tuần, nhiều thì cả tháng và nhiều khi chỉ được thông báo là chờ.
Các bệnh nhân mòn mỏi chờ điều trị vì bệnh viện thiếu thuốc
Chờ đợi và tiếp tục chờ đợi, những bệnh nhân đang mòn mỏi vì lo lắng vì không biết đến bao giờ mới tiếp tục được điều trị. Trong khi đó, việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân ung thư có cơ hội kéo dài sự sống.
Chuyện thiếu thuốc, vật tư hóa chất tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập đã xảy ra từ nhiều tháng nay. Điều này do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có lý do từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn do dịch COVID-19 và vướng mắc hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư hay quy định về giá đấu thầu, trúng thầu.
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp tổng thế, đồng bộ những chính sách của ngành y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối ở khu vực phía Nam, trong thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng trong tình trạng thiếu thuốc và sinh phẩm xét nghiệm. Lãnh đạo bệnh viện cho biết nguyên nhân do đấu thầu chậm và bệnh viện tuyến dưới thiếu thuốc nên đã chuyển bệnh nhân lên đã dẫn đến số lượng lượng bệnh nhân tăng trong khi lượng thuốc dự phòng của Bệnh viện Chợ Rẫy chưa có chuẩn bị.
Phân tích về nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư hóa chất, các chuyên gia đã đưa ra 3 nguyên nhân chính là: nhu cầu khám chữa bệnh sau dịch COVID-19 tăng; quy định về luật pháp trong đấu thầu mua sắm có nhiều điểm lạc hậu, lỗi thời và tâm lý cán bộ trong ngành y tế: vừa sợ, vừa ngại không dám thực hiện đấu thầu, mua sắm.
Các chuyên ra cũng cho rằng để giải quyết tình trạng này cần phải có giải pháp tổng thể và đồng bộ. Trước mắt, rà soát sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là cơ chế đấu thầu, xác định giá theo nguyên tắc giá cả hợp lý đảm bảo chất lượng.
Đẩy nhanh việc cấp phép, gia hạn đối với thuốc đã hết phép lưu hành, giới hạn số thuốc đàm phán trong trường hợp thuốc còn bảo hộ độc quyền. Rà soát điều chỉnh thông tư về đấu thầu thuốc.
Thiếu thuốc, vật tư hóa chất tại các bệnh viện không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế mà còn giảm chất lượng điều trị. Nhưng rõ ràng không thể vì sợ "sai luật" hoặc "đổ lỗi" cho luật lạc hậu mà chậm trễ, ảnh hưởng đến hàng triệu bệnh nhân đang chờ được khám và điều trị hàng ngày.
Sức khỏe của bệnh nhân luôn phải được đặt lên hàng đầu - đó là đạo đức của nghề y. Nếu bệnh viện chỉ vì "Sợ vướng, Sợ sai" bỏ qua sức khỏe của bệnh nhân thì cần nhìn lại năng lực của cán bộ quản lý và trách nhiệm công vụ. Một nội dung trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị là quy định việc bảo vệ người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng, không tư lợi. Và tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành y tế phải quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân với trách nhiệm cao nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!