Bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn dù không ăn lòng lợn tiết canh hay giết mổ lợn

Minh Đức-Thứ ba, ngày 14/03/2023 10:38 GMT+7

VTV.vn - Bệnh nhân nam, 51 tuổi ở Hà Nội được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn dù trước đó không ăn lòng lợn tiết canh hay giết mổ lợn.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận trường hợp thứ 2 mắc liên cầu khuẩn lợn trong năm 2023.

Bệnh nhân là nam, 51 tuổi, ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi sốt cao, đau đầu, mỏi người, ông tự điều trị tại nhà không đỡ. Sau đó, tình trạng đau đầu nặng lên kèm theo ý thức lơ mơ, kích thích nên gia đình đưa vào Bệnh viện Quân y 103.

Tại đây, kết quả cấy máu và dịch não tủy cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).

Đáng chú ý, theo lời kể từ bệnh nhân và gia đình, người đàn ông này không ăn lòng lợn, tiết canh hay tham gia giết mổ lợn.

Theo các bác sĩ, với một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh liên cầu khuẩn thì nguyên nhân có thể là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Hà Nội ghi nhận ca bệnh liên cầu khuẩn đầu tiên trong năm vào tháng 2/2023, bệnh nhân nam tại quận Hà Đông, làm nghề bán tiết canh lòng lợn.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người.

Bộ Y tế nêu rõ, người dân thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh.

Bệnh liên cầu lợn có diễn biến rất nhanh chóng, có thể gây 2 thể: Thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng.

Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, nuôi hay tham gia giết mổ mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết mà không có phương tiện phòng hộ phù hợp cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da.

Do đó, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Bởi, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước