"Bẫy" quà tặng cho người cao tuổi: Tiền trao nhưng... cháo không múc

Nhóm PV Chuyển động 24h-Thứ hai, ngày 08/04/2024 13:21 GMT+7

VTV.vn - Bán hàng rồi lại trả tiền cho người mua, không ai tiếc tiền mua hàng mà chỉ tiếc nếu không mua được hàng để rồi tiền trao mà cháo... không được múc.

Vài năm nay, những buổi hội thảo bán hàng di động thường xuyên được tổ chức khắp các tỉnh thành. Đối tượng được hướng đến là người nội trợ và người cao tuổi. Tại đây, người bán đưa ra rất nhiều các mặt hàng từ những món đồ có giá trị nhỏ như nước rửa bát, nước mắm, hạt nêm có giá từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng đến những món đồ gia dụng như nồi cơm điện hay bếp từ có giá tới hơn 4 triệu đồng/chiếc. 

Trong thời gian đầu, doanh nghiệp cam kết, người mua chỉ cần bỏ tiền ra mua hàng, họ sẽ nhận được các thẻ quà tặng. Và thông qua những tấm thẻ quà tặng này, người bán sẽ hoàn lại hết số tiền mà người mua vừa bỏ ra. Nói một cách dễ hiểu, hàng hoá này đang được bán với giá 0 đồng.

Bẫy quà tặng: Tiền trao nhưng... cháo không múc - Ảnh 1.

Ghi nhận của phóng viên tại một buổi bán hàng, trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, những món hàng có giá trị thấp luôn được đưa ra làm mồi nhử để người mua tin rằng cứ mua hàng là sẽ được trả lại tiền. Chỉ đến khi lòng tin của người mua tăng cao, người bán mới đưa ra mồi nhử cuối cùng là sản phẩm nồi cơm điện có giá hơn 4 triệu đồng. 

Nhưng sau khi thu tiền của người dân xong thì họ không trả lại tiền như lời hứa hẹn ban đầu. Để kiếm lời trong câu chuyện này, doanh nghiệp đã bán sản phẩm đắt hơn gấp 7-8 lần giá trị thật. Dẫu vậy, những ai bỏ tiền ra mua, mà được trả hàng là còn may, vì có nhiều người dù đã nộp tiền cho doanh nghiệp nhưng cũng đã không nhận được hàng vì nhóm người bán đã cao chạy xa bay.

Vì tham mà mắc lừa là một trong những nguyên nhân chính giải đáp cho việc tại sao nhiều người lại sẵn lòng bỏ tiền ra để mua hàng nhiều đến thế. Sau khi chuyện xảy ra, những người mua hàng đã gặp phải rất nhiều sự quở trách của con cái trong gia đình. Đặc biệt là họ cũng cảm thấy rất xấu hổ, khi mình vốn là gừng đã già mà đã không còn cay.

Chúng ta không nên quá phán xét hay dùng những lời lẽ cay nghiệt đối với những người được coi là nạn nhân trong câu chuyện này, bởi lòng tham ít nhiều luôn có trong mỗi chúng ta và với những người vốn được nhắm đến như là những con mồi của những kẻ lừa đảo thì việc tỉnh táo để nhận biết được những chiêu trò và tránh xa mọi cạm bẫy không phải là việc dễ làm.

CÁCH "LÙA GÀ" ĐỂ THU TIỀN HÀNG RỒI BỎ TRỐN 

Doanh nghiệp tổ chức chương trình nhưng tờ giấy mời cũng không có nội dung gì cụ thể và đa phần người tham gia chỉ lưu tâm đến dòng chữ được in đậm Được tặng 100K tiền mặt.

Bẫy quà tặng: Tiền trao nhưng... cháo không múc - Ảnh 2.

"Đi bộ thì cũng phải ăn phở. Đi xe ôm mất tiền. Đi xe đạp thì mất sức mà đi xe máy thì phải đổ xăng. Trước khi ra về thì mỗi mẹ đều được nhận 100.000 đồng tiền mặt hỗ trợ chi phí xăng xe và đi lại. Có được không ạ? Nhất trí không ạ?"

Điều kiện để nhận 100.000 đồng hết sức đơn giản là ngồi lại với chương trình để lắng nghe chương trình. Tại một điểm bán hàng khác, do lượng khách quá ít, người bán còn nghĩ ra cách để gia tăng số lượng người tham gia.

Bẫy quà tặng: Tiền trao nhưng... cháo không múc - Ảnh 3.

"Ai mời được 1 người thì thưởng 1 cái chậu. Mời 2 người thưởng 2 cái chậu. Càng nhiều người đi thì thưởng càng nhiều", bà Nguyễn Thị Sinh, người dân xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội cho biết.

Tặng tiền và tặng cả quà, để mong có nhiều khách nhưng không phải ai muốn cũng có thể tham gia sự kiện này. Theo anh Nguyễn Văn Hùng, Quản lý Quản lý Trung tâm tổ chức sự kiện Đại Nam, xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội: "Họ khuyến khích mời toàn người già. Người già có số tiền tích cóp của con cái người ta cho và người ta không có suy luận gì hàng đắt hay hàng rẻ vì người ta cũng không va chạm những đồ này hàng ngày, mua bán người ta không biết".

Sau khi lựa chọn đối tượng dễ lừa, chiêu thức then chốt để móc được hầu bao của người mua chính là việc liên tục trao đi những món quà tặng dưới danh nghĩa tri ân khách hàng. Họ còn biết cách để thúc giục quyết định chi tiền của người tham gia bằng cách luôn giới hạn thời gian mua hàng.

Bẫy quà tặng: Tiền trao nhưng... cháo không múc - Ảnh 4.

Ban đầu, tất cả sản phẩm đều được bán đúng quy trình là thu tiền trước rồi trả tiền sau. Việc này còn được lặp đi lặp lại để người tham gia nghĩ đó là quy luật của cuộc chơi là cứ mua hàng rồi sẽ được trả tiền. Vật chất quyết định ý thức nên những khoản tiền cứ thế được trao đi.

Bẫy quà tặng: Tiền trao nhưng... cháo không múc - Ảnh 5.

Cũng vì tin là cứ mua hàng rồi sẽ được nhận lại tiền, bà Hương còn bỏ ra hơn 20 triệu đồng để mua các sản phẩm mà thậm chí mình còn không thể dùng hết.

"Nó bảo mua xong thì trả lại. Xong nó chạy mất. Nồi này nó cũng không trả. Niềm vui, niềm vui, niềm vui. Của tôi 3 cái niềm vui đây là 4,6 triệu đồng/cái. Gần 14 triệu cho ba cái phiếu niềm vui của tôi đây", bà Hương chua xót nói.

Bẫy quà tặng: Tiền trao nhưng... cháo không múc - Ảnh 6.
Bẫy quà tặng: Tiền trao nhưng... cháo không múc - Ảnh 7.

Bà Hương bỏ ra gần 14 triệu cho ba phiếu niềm vui.

Bỏ tiền để mua phiếu niềm vui nhưng điều nó mang lại chỉ là những nỗi buồn. 


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước