Bảo vệ nguồn nước ngầm đô thị

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 22/03/2022 00:50 GMT+7

Sản xuất nước sạch ở Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Để khai thác bền vững nguồn tài nguyên nước ngầm, vẫn cần có những điều chỉnh phù hợp.

Hôm nay (22/3) là ngày nước thế giới. Chủ đề của năm nay là "Nước ngầm biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình" nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, cho đến nay nước ngầm vẫn là một nguồn không thể thay thế trong việc cấp nước sinh hoạt. Với lượng khai thác lên đến hơn 1 triệu m3 nước mỗi ngày. Nguồn nước ngầm hiện đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của thành phố. Dù nguồn nước ngầm là rất dồi dào nhưng vẫn cần những điều chỉnh phù hợp để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Giếng khai thác nước ngầm số 6 của nhà máy nước Hạ Đình đã tạm dừng khai thác sau hơn 30 năm vận hành do trữ lượng nước giảm một nửa so với ban đầu, chất lượng nước cũng suy giảm. Đây chỉ là một trong 8 giếng nước không còn được nhà máy sử dụng nữa. Hiện chỉ còn 9 giếng khác đang được luân phiên khai thác.

Để đảm bảo an toàn cho mạch nước ngầm, trữ lượng nước ngầm, từ nay đến năm 2030, nhà máy nước Hạ Đình chỉ hoạt động với công suất 10.000 m3/ngày đêm, tức là bằng 1/3 so với công suất thiết kế ban đầu.

Trong khi đó, công suất của nhà máy nước Yên Phụ đến năm 2030 hầu như không đổi so với hiện nay.

Những tác động tiêu cực đến các giếng ngầm của nhà máy Hạ Đình không xảy ra với các giếng ngầm ven sông của nhà máy nước Yên Phụ.

Như vậy, có thể thấy, ở các vị trí khác nhau, nguồn tài nguyên nước dưới đất ở Hà Nội sẽ có nhiều khác biệt.

Do đó, dù Hà Nội nằm trên một bể nước ngầm có trữ lượng rất lớn nhưng để khai thác bền vững nguồn tài nguyên này vẫn cần có những điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, khai thác hợp lý về lưu lượng, hay thực hiện các phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất là những giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước ngầm.

Theo UNESCO, nước ngầm hiện chiếm khoảng 50% lượng nước sinh hoạt trên toàn thế giới và 25% lượng nước được sử dụng để tưới tiêu. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức và bị ô nhiễm bởi các hoạt động của con người dẫn tới nguy cơ cạn kiệt. Từ đó tác động trở lại đe dọa sinh kế người dân, đặt ra thách thức toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia cần nỗ lực ứng phó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước