Bão số 4 có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn

Theo Báo điện tử Chính phủ-Thứ ba, ngày 27/09/2022 19:19 GMT+7

VTV.vn - Ngày 27/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức cuộc họp nhận định về diễn biến bão số 4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Nhận định về bão số 4, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 4 hiện vẫn là cơn bão rất mạnh. Dự báo, bão số 4 sẽ duy trì cường độ cấp 14-15, giật cấp 16 khi cách đất liền các tỉnh, thành phố miền Trung khoảng 100km. Ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung, Bắc Tây Nguyên từ khoảng chiều tối 27/9.

Đề cập đến tác động của bão trong thời gian tới, Trung tâm cảnh báo nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 16 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 14-15, giật cấp 17, sóng cao 9-11m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn.

Các huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão số 4.

Từ tối 27/9, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm 27 đến sáng 28/9.

Bão số 4 có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn - Ảnh 1.

Bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây Nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400 mm, có nơi trên 500 mm gây lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định.

Đặc biệt, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt, như Thừa Thiên - Huế có 4/8 huyện với 58 xã; Quảng Nam có 6/18 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 6/11 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình từ 0,3-0,6m.

Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Mai Văn Khiêm nêu rõ, hiện toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đang hoạt động ổn định và sẵn sàng quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão số 4.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã thường xuyên giữ liên lạc và thảo luận với các Cơ quan Khí tượng Phillipines, Nhật Bản để trao đổi đặc điểm bão, những tác động ở Phillipines về dự báo quỹ đạo, cường độ và ảnh hưởng có thể có của bão số 4.

Trung tâm phối hợp xây dựng và vận hành các hệ thống giám sát vận hành 11 quy trình liên hồ chứa và hệ thống giám sát tài nguyên nước, trong đó với hơn 130 hồ chứa, đập dâng quan trọng trong 11 quy trình được cập nhật hàng giờ và khoảng trên 450 hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ đã kết nối, truyền dữ liệu tự động, liên tục tối thiểu 15phút/lần phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo kịp thời bão số 4

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các chuyên gia dự báo đã cùng thảo luận, phân tích về các thông tin xung quanh cơn bão số 4, gồm: Đánh giá về cường độ của bão số 4 so với các cơn bão trước đây trong cùng thời gian xuất hiện; đặc điểm của cơn bão từ khi xuất hiện, đi vào Philipines đến khi vào Biển Đông nước ta; so sánh thông tin dự báo về cơn bão của các cơ quan dự báo quốc tế và Việt Nam; thông tin cụ thể về diễn biến bão số 4 về hướng di chuyển, cường độ, thời điểm đổ bộ, các cảnh báo với người dân...

Bão số 4 có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, thành phố... đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, phối hợp hiệu quả với các đơn vị chức năng, các cơ quan dự báo quốc tế trong công tác dự báo, cảnh báo các thông tin liên quan đến bão số 4.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, cần tiếp tục phối hợp, đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời giúp chính quyền và người dân, đặc biệt là những khu vực ảnh hưởng lớn bởi bão số 4 chủ động trong công tác phòng, tránh và ứng phó.

Bộ trưởng yêu cầu cơ quan dự báo cần tiếp tục theo dõi, cung cấp đầy đủ thông tin cho Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, đặc biệt là chính quyền huyện đảo Lý Sơn để có ngay biện pháp ứng phó phù hợp.

Đối với các địa phương có kinh nghiệm và mức độ chống chịu thấp như khu vực Tây Nguyên, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan dự báo đưa ra các thông tin dự báo chi tiết về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng do bão.

Bên cạnh thông tin dự báo của cơ quan dự báo tại Trung ương, Bộ trưởng yêu cầu các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh, thành phố cần cập nhật số liệu đầy đủ hơn, đặc biệt là các thông tin dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để người dân chủ động phòng tránh.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục KTTV tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra công tác sẵn sàng, thực hiện trực ban nghiêm túc, duy trì thông tin thông suốt, liên tục.

Đồng thời, có biện pháp đảm bảo an toàn cho các dự báo viên, người lao động đang làm việc tại các khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 4.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu, từ nay đến chiều tối 27/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh, thành phố nâng tần suất cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, ban hành kịp thời để người dân và chính quyền các địa phương chủ động ứng phó

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước