Từ va chạm giao thông biến thành bạo lực đường phố - một kịch bản không mới, nhưng có vẻ đang xuất hiện với tần suất nhiều hơn trên các phương tiện thông tin trong thời gian gần đây. Thời điểm cuối năm này, tình hình giao thông thường xuyên tắc nghẽn, chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể châm ngòi cho những xung đột.
Ở Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về bạo lực trên đường phố xuất phát từ va chạm giao thông. Nhưng nếu chăm đọc tin tức hàng ngày, không khó để bắt gặp những vụ xô xát, ẩu đả chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trên đường. Trong nhiều vụ việc, các đối tượng dù chưa đến độ tuổi thường gặp của bệnh Alzheimer, nhưng họ thường không thể nhớ mình là ai, thị uy đối phương bằng những câu hỏi mang tính đe nẹt, như "biết tao là ai không?". Và khi không tìm được câu trả lời thỏa đáng, cả hai bên sẵn sàng biến đường phố thành võ đài.
Các vụ bạo lực xuất phát từ va chạm giao thông
Rạng sáng ngày 12/1 tại Bình Dương, một tài xế xe công nghệ bị 3 người vô cớ hành hung, gây thương tích nghiêm trọng. Nguyên nhân chỉ vì tài xế điều khiển xe đi chậm trên đường hẹp. Nhóm người này sau đó đã ra đầu thú, và bị Công an TP Thuận An tạm giữ hình sự để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.
Trước đó, vào tối ngày 11/1 tại TP. Hồ Chí Minh, một người đàn ông đi ô tô mang theo gậy sắt đã tấn công tài xế xe ôm công nghệ, đánh vỡ mũ bảo hiểm của nạn nhân. Rồi mau chóng lái xe rời khỏi hiện trường, trong sự ngỡ ngàng của nhiều người đi đường. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế xe công nghệ trong lúc đường đang ùn tắc, anh này chạy lấn sang làn ngược chiều.
Còn vài ngày trước, do mâu thuẫn trong việc đón khách, 4 tài xế xe ôm đã tạo ra cuộc hỗn chiến trước cổng bệnh viện quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Nam tài xế xe ôm công nghệ thì cầm dao, mũ bảo hiểm, còn 3 tài xế xe ôm truyền thống cầm gậy gộc lao vào ẩu đả. Nhóm người này sau đó đã bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.
Điểm gây chú ý trong những vụ việc vừa rồi đó là sự xuất hiện của những hung khí như dao, gậy sắt,… Đến khi bị phát giác, thì nhiều người hay dùng lý do "phòng thân" để biện minh cho hành động trang bị trái phép những vũ khí nguy hiểm.
Nhưng rõ ràng, việc cầm theo hung khí khiến cho mâu thuẫn dễ dàng bị đẩy đi xa. Cứ hình dung như thế này, khi đối phương bước xuống khỏi phương tiện, mà trong tay đã cầm sẵn vật nguy hiểm, đó như một dấu hiệu cho việc sắp dùng tới vũ lực. Bởi vậy mà trong nhiều tình huống, hai bên chưa kịp đối thoại đã lao vào đối đầu.
Thủ hung khí phòng thân, đến gần vòng lao lý
Súng K54 cùng một băng tiếp đạn với 2 viên đạn được nam thanh niên này cất giấu kín đáo trong cốp xe. Tại cơ quan công an, nam thanh niên khai nhận, do có nhu cầu tìm kiếm một khẩu súng quân dụng để "phòng thân" nên đã lên mạng xã hội đặt mua với giá 10 triệu đồng.
Hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bản thân và cộng đồng. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội từ khóa "đồ tự vệ", dễ dàng tìm thấy nhiều thông tin rao bán các công cụ được cho là "phòng thân" như kìm điện, roi sắt, bình xịt hơi cay, thậm chí là dao, kiếm, súng bắn đạn bi sắt... Người mua chỉ cần để lại tên, số điện thoại, địa chỉ, "hàng nóng" sẽ được giao đến tận nhà.
Mặc dù biết rõ việc mua bán và tàng trữ các loại vũ khí này là vi phạm pháp luật, nhiều người vẫn cố tình thực hiện. Theo quy định, hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ có thể bị xử phạt hành chính từ 3 đến 20 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho cộng đồng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ từ vũ khí, vật liệu nổ gây ra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tại sao xô xát lại thường hay xảy ra chỉ sau một va chạm nhẹ trên đường. Chỉ vì những lý do như người đằng trước đi chậm, quệt nhẹ vào xe cũng có thể dẫn tới ẩu đả?
Lý do chủ quan là bản tính cá nhân nhiều người dễ nổi nóng, khó lòng kìm chế cơn giận. Không nhận thức rõ được hậu quả của những hành vi giận quá mất khôn. Ngoài ra, còn có những yếu tố khách quan như tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe cũng đã được chứng minh là gây nên những căng thẳng thần kinh cho người tham gia giao thông.
Tắc đường làm gia tăng căng thẳng, cáu gắt
Cơn thịnh nộ trên đường của các tài xế không phải là một hiện tượng mới xảy ra gần đây. Bộ phim hoạt hình của Disney vào năm 1950, tức là cách đây hơn 7 thập kỷ, đã khắc họa hình ảnh nhân vật Goofy, một người đàn ông bình thường hiền lành, nhưng khi cầm vô lăng lại trở nên đầy giận dữ, nóng nảy. Để giải thích cho hiện tượng này, trong nghiên cứu về tình trạng căng thẳng thần kinh ở người đi làm ở các khu đô thị, giáo sư Murtaza Haider, người Canada, chỉ ra rằng: Nếu người lái xe gặp phải tình trạng tắc nghẽn giao thông nhiều hơn ba lần trong tuần, có nguy cơ trở thành bệnh nhân của chứng căng thẳng thần kinh kinh niên. Việc đối mặt với tắc đường thường xuyên khiến tài xế trở nên dễ cáu gắt, có xu hướng hành động hung hăng, lỗ mãng và không thể kìm chế bản thân mỗi khi có mâu thuẫn.
Giao thông, từ lâu, không chỉ là hành trình di chuyển mà còn trở thành nơi thử thách sự kiên nhẫn và khả năng kiểm soát cảm xúc của những người tham gia. Tại đây, mỗi góc phố đều tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mỗi va chạm đều có thể là điểm khởi đầu của bạo lực.
Giữa áp lực cuộc sống hiện đại, giữ bình tĩnh khi tham gia giao thông là kỹ năng cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể kiểm soát mọi tình huống xảy ra, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát cách phản ứng của chính mình. Vẫn có câu "một điều nhịn, chín điều lành", hay "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Một cái đầu lạnh, một lời xin lỗi chân thành, hay đơn giản chỉ là sự nhường nhịn cũng có thể ngăn chặn những điều đáng tiếc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!