Báo động nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu mây tre

Bảo Lâm-Thứ bảy, ngày 20/06/2020 10:27 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Tài nguyên mây tre trong nước có nhiều, nhưng cũng cạn kiệt dần do những khai thác bất hợp lý, khai thác quá mức khiến số lượng và chất lượng nguyên liệu giảm trầm trọng.

Nghề mây tre đan đối mặt nghiêm trọng với việc thiếu nguyên liệu

"Trong khuôn khổ dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre tại Việt Nam" do Liên minh châu Âu EU tài trợ, ngày 18/6 Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, OXFAM tại Việt Nam tổ chức Hội thảo ‘‘Đối thoại chính sách phát triển ngành Tre bền vững ở Việt Nam”.

Báo cáo tại Hội thảo Đối thoại chính sách phát triển ngành tre bền vững ở Việt Nam ngày 18/6, Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành nghề mây tre đan nước ta đang có bước phát triển ngoạn mục trong vài thập niên qua. 

Hàng năm có khoảng 75-80% giá trị sản xuất của ngành mây tre đan có tác động trực tiếp đến người nghèo. Ngành nghề này cũng đã tạo ra gần nửa triệu việc làm thường xuyên và bán thời gian vốn có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết lao động nhàn rỗi trong nông thôn.

Báo động nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu mây tre - Ảnh 1.

Các khách mời thảo luận tại hội thảo Đối thoại chính sách phát triển ngành tre bền vững ở Việt Nam

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng mây tre, cói thảm của Việt Nam tăng từ 201,3 triệu USD năm 2011 lên 259,8 triệu USD năm 2015 và 347,7 triệu USD năm 2018 tới trị trường trên 20 nước/vùng lãnh thổ, là mặt hàng có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một thực trạng nghiêm trọng hiện nay là khoảng 35-40% các cơ sở đang phải sản xuất cầm chừng, đối đầu với nguy cơ đóng cửa vì thiếu và không chủ động được nguyên liệu. Hàng năm chúng ta vẫn cứ nhập một lượng nguyên liệu lớn mây tre với giá cao hơn trong nước từ 15-20%.

Tài nguyên mây tre trong nước có nhiều, nhưng cũng cạn kiệt dần do những khai thác bất hợp lý, khai thác quá mức ở những nơi có điều kiện đường sá cho phép, làm cho số lượng và chất lượng nguyên liệu giảm trầm trọng. Nguyên liệu tre nứa thường tập trung ở miền núi, làng nghề với nguồn lao động dồi dào lại tập trung ở đồng bằng, sơ chế chưa phát triển, hạ tầng miền núi cũng còn khó khăn, nên hai nguồn tài nguyên có giá trị ở cách xa nhau chưa có điều kiện tốt nhất để hợp lại với nhau tạo ra giá trị và của cải cho xã hội.

Như vậy, rõ ràng là ngành nghề mây tre đan đang đối mặt nghiêm trọng với việc thiếu nguyên liệu. Và việc thiết lập những vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh là một nhu cầu bức bách hiện nay đối với nước ta.

Cần chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu tre nứa

Trên cơ sở định hướng quy hoạch rừng nguyên liệu tre nứa các vùng trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT (bảo vệ khoảng 1-1.1 triệu ha rừng tre nứa tự nhiên và phát triển diện tích tre luồng trồng khoảng 131.000 ha), Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất các địa phương tiếp tục chỉ đạo tiến hành lập quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu song mây, tre nứa của địa phương mình.

Báo động nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu mây tre - Ảnh 2.

Toàn cảnh diễn đàn

Tại mỗi địa phương cần chú trọng rà soát lại quy mô diện tích, ranh giới các vùng nguyên liệu tập trung nhằm cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy ván dăm, ván sợi, ván ghép thanh…; quy hoạch vùng nguyên liệu tre nứa phải chú ý tới yếu tố lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường, gắn với các cơ sở chế biến; đẩy nhanh công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các diện tích tre luồng, lùng có đủ điều kiện để tham gia hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở.

Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cũng kiến nghị nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh và cụ thể hóa một số chính sách liên quan tới đầu tư, hỗ trợ, tín dụng, chính sách hưởng lợi và chính sách khuyến khích người đầu tư trồng rừng nguyên liệu tre nứa; quy chế khai thác rừng song mây, tre nứa,...; đồng thời dành một phần ngân sách hỗ trợ đầu tư đủ lớn nhằm thu hút các tổ chức, các thành phần kinh tế, các cá nhân, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển rừng song mây, tre nứa.

Vụ Phát triển rừng đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu phát triển giống tre có năng suất, chất lượng cao; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc một số loài song mây, tre nứa quý hiếm, tre nứa nhập nội; các tiêu chuẩn kỹ thuật về chế biến, bảo quản sản phẩm tre nứa. Các doanh nghiệp chủ động cải tiến mẫu mã sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước