Báo chí toàn cảnh: Tăng lương và câu chuyện kỷ cương, kỷ luật ngân sách

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 15/11/2015 16:34 GMT+7

VTV.vn - Tăng lương và câu chuyện ngân sách; “Nóng” đề xuất tích hợp môn Lịch sử; Nước Pháp rung chuyển vì các vụ khủng bố... là những vấn đề được báo chí tuần qua quan tâm.

Tăng lương và câu chuyện kỷ cương, kỷ luật ngân sách

Trong tuần qua, một trong những sự kiện đã thu hút sự quan tâm lớn của báo chí là Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở 5% từ ngày 1/5/2016. Đây là tin vui với hàng triệu người lao động, bởi dù mức tăng không nhiều, nhưng trong điều kiện ngân sách Nhà nước căng thẳng như hiện nay để có trên 11.000 tỷ đồng bố trí cho tăng lương không phải điều đơn giản.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ, để có trên 11.000 tỷ đồng bố trí cho tăng lương phải triệt để tiết kiệm, cắt giảm 30% tiền chi từ những khoản như: Hội nghị, hội thảo, khánh tiết hay những dự án chưa thực sự cấp bách… Tuy nhiên, qua góc nhìn trên các báo trong tuần qua, câu chuyện tăng lương cũng như kỷ cương, kỷ luật ngân sách còn là một câu chuyện dài và chưa dễ dàng thấy được hồi kết.

Song song với câu chuyện tăng lương, những ngày qua, dư luận cũng “nóng” lên với con số 13.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho việc sử dụng xe công. Con số này gấp 10 lần thu ngân sách của không ít tỉnh thành trong cả nước. Liên quan tới vấn đề này, Báo Tiền phong có bài viết “Xe công - lãng phí xăng khủng khiếp”. Báo Đất Việt có bài viết “13.000 tỷ nuôi xe công: Tâm lý trọc phú không nên tồn tại”.

Một câu chuyện cũng liên quan tới ngân sách khiến nhiều người không thể xót xa khi đọc các trang báo trong tuần qua đó là việc 2 tuyến metro đang triển khai tại TP.HCM đội vốn hơn 2 tỷ USD (trên 40 tỷ đồng).

“Nóng” đề xuất tích hợp môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT

Lĩnh vực giáo dục cũng gây xôn xao dư luận trong tuần qua khi Bộ GD- ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó nêu rõ môn học Công dân với Tổ quốc là 1 trong 4 môn học bắt buộc. Môn này là tích hợp của 3 môn: Đạo đức công dân, Lịch sử và Quốc phòng an ninh. Điều này đã nhận được sự phản biện gay gắt của giới sử học.

Nhiều chuyên gia cho rằng Lịch sử phải là môn học độc lập. Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam gọi đây là đề án gạch tên môn Lịch sử. Theo ông Dương Trung Quốc, trước vấn đề thờ ơ lạnh nhạt với môn Lịch sử ngày càng trầm trọng, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải tăng cường cải thiện tình hình, khắc phục hạn chế để thúc đẩy môn Lịch sử thì nay lại chủ trương thay đổi bằng một phương thức hoàn toàn mới. Để Lịch sử đứng độc lập là môn riêng còn nan giải, nay mang tích hợp hiệu quả sẽ ra sao?.

Xung quanh vấn đề trên, Báo Lao động cũng nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp của độc giả và hầu hết đều cho rằng: Tuyệt đối không được xem nhẹ môn Lịch sử, vì môn học có giá trị rất lớn truyền thống của dân tộc, của ý chí chính trị, của đạo đức, của niềm tin và của thế hệ trẻ hôm nay.

Ngày thứ Sáu kinh hoàng ở Paris

Tuần qua, vụ tấn công khủng bố tại Pháp đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí trong nước và thế giới. Thứ Sáu - ngày 13/11/2015 đã trở thành ngày thứ Sáu đen tối kinh hoàng với nước Pháp, khi các vụ tấn công khủng bố ở Paris đã làm hàng trăm người thiệt mạng.

Ngay sau khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Paris, an ninh đã được tăng cường cao độ ở một số nước, đặc biệt là Italy và Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới tiếp tục gửi lời chia buồn đến Chính phủ và người dân Pháp, đồng thời lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris.

Tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) cùng một số quốc gia châu Phi đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh để cùng thương thảo giải pháp đối phó với người di cư. Báo chí châu Âu cũng có nhiều bài viết xung quanh Hội nghị này.

Mời quý vị theo dõi chi tiết những nội dung báo chí tuần qua đã đề cập đến trong VIDEO trên!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước