Đất đai là nguồn tài nguyên có giá trị lớn đối với con người và tự nhiên. Đất được giao quyền cho người dân sử dụng, nhưng để khai thác nguồn khoáng sản này cần được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng khai thác đất mặt trái phép vẫn diễn ra nhiều nơi ở ĐBSCL.
Tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nếu như trước đây người dân chỉ bán lớp đất mặt ruộng với độ sâu từ 0,3-0,5 m thì nay họ bán đứt luôn phần đất của mình với giá khoảng 100 triệu đồng/công.
Huyện Hòn Đất là điểm nóng về khai thác đất mặt trái phép ở tỉnh Kiên Giang. Chỉ mất vài ngày, nhiều cánh đồng thành ao sâu. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác. Tại xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, xung quanh những chiếc máy cuốc liên tục xúc đất là những ao sâu hàng chục mét.
Dù lực lượng Cảnh sát môi trường và ngành chức năng ở địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn. Thủ đoạn của các đối tượng là chọn những cách đồng xa khu dân cư, lén lút khai thác than bùn và đất sét…
Những cánh đồng màu mỡ giờ đã trở thành ao sâu. Không chỉ gây thất thoát tài nguyên thiên nhiên, hoạt động khai thác đất mặt còn làm ảnh hưởng đến sản xuất của cả một vùng. Không mảnh ruộng nào có thể canh tác khi kề bên là những cái hố sâu rộng hàng chục mét.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!