Tuyến đường Ngô Quang Nhã (phường 1, TP Bạc Liêu) chìm trong nước.
Theo ghi nhận của phóng viên, các tuyến đường bị ngập nặng trên địa bàn TP Bạc Liêu, như: Hòa Bình, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Huỳnh Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt... Thậm chí, tại nhiều khu vực, nước ngập ngoài đường còn tràn vào nhà người dân.
Mưa lớn kéo dài khoảng 1h đồng hồ khiến cho việc đi chuyển của người dân gặp khó khăn. Nhiều xe máy bị chết máy do bị ngập sâu trong nước, phải dẫn bộ.
Nhiều người dân thông thuộc địa bàn thành phố thì chọn những tuyến đường ít ngập hơn để lưu thông, tránh xe chết máy giữa dòng.
Được biết, trong thời gian gần đây, một số tuyến đường trên địa bàn TP Bạc Liêu đã được các đơn vị có liên quan tiến hành sửa chữa, nâng cao, nạo vét, xây dựng hệ thống thoát nước trước khi nâng cấp đường...để hạn chế việc ngập khi trời mưa to kéo dài.
Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước chưa phát huy hết hiệu quả, chưa đồng bộ nên chỉ sau cơn mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Bạc Liêu lại chìm trong biển nước.
Đường Hai Bà Trưng ngập, phương tiện không thể lưu thông trên đường.
Theo lãnh đạp Phòng Quản lý đô thị TP Bạc Liêu, trước đó, để khắc phục tình trạng ngập lụt và triều cường dâng cao kéo dài gây ảnh hưởng đến nhà dân, giao thông đi lại, thành phố đã tiến hành sửa chữa và nâng cao nhiều tuyến đường chính khu vực nội ô, như: Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Duyệt… Tuy nhiên, sau cơn mưa nặng hạt kéo dài sáng nay, nhiều tuyến đường được sửa chữa và nâng cấp vẫn bị ngập nặng.
Thời gian tới, thành phố cũng đang lắp đặt các nắp cống tự động chảy ra kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau. Đồng thời, kiến nghị ngành nông nghiệp hoàn thiện tuyến đê kè kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau để phục vụ ngăn triều.
Hai bên đường Võ Văn Kiệt cũng bị chìm trong nước.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, hệ thống tiêu thoát nước của thành phố, nhất là khu trung tâm (các phường 1, 3 và 7), hầu hết được xây dựng trên nền đô thị cũ, độ cao nền thấp, và trong tiến trình phát triển, do trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng, hệ thống mới - cũ không đồng bộ, bị chia cắt thành từng ô, chênh lệch cao độ.
Ngoài ra, việc bê tông hóa diện tích mặt tại các khu vực đô thị ngày càng tăng, không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm, mà còn tạo ra hiệu ứng ngập cục bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!