Chỉ riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong vòng 1 tuần đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 em học sinh tử vong. Tình trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cho các bậc phụ huynh và nhà trường trong việc quản lý các em sau giờ học.
Vụ tai nạn đuối nước làm 2 em học sinh cấp 2 tử vong khi tắm suối tại khu vực hồ sông Ray, ấp Suối Lê, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, xảy ra cách đây vài ngày. Nhận tin báo của ngưởi dân, công an xã đã xuống hiện trường hỗ trợ cứu vớt nạn nhân.
Hồ sông Ray là hồ chứa nước lớn nhất cung cấp nước cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực suối nơi các em bị đuối nước nằm cách đây khoảng 50m. Có thể do không có biển cảnh báo nên các em chủ quan không lường trước được nguy hiểm và xảy ra sự cố trên. Trước đó khoảng 1 tuần, một nhóm học sinh cấp 3 trên địa bàn huyện Châu Đức cũng rủ nhau đến tắm tại hồ Đá Bàng, xã Đá Bạc thì xảy ra đuối nước làm 2 em tử vong.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có rất nhiều ao, hồ do hoạt động khai thác mỏ để lại nhưng không được quản lý chặt chẽ. Các em nhỏ thường đi vào khu vực này nô đùa, tắm, dẫn đến đuối nước. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tại Bà Rịa - Vùng Tàu đã xảy ra ít nhất 3 vụ đuối nước do tắm ao, hồ, suối, làm 5 người tử vong. Năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ làm 14 trẻ đuối nước tử vong.
Hiện nay, khu vực Nam bộ đang bước vào cao điểm của mùa khô nên việc các em học sinh sau giờ học thường tìm đến những nơi ao, hồ, sông, suối nô đùa, tránh nóng, vì vậy nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Theo các nhà chuyên môn, ngoài việc tăng cường giáo dục tại nhà trường và gia đình, cần phải tăng cường cắm nhiều biển báo tại những khu vực ao, hồ, sông, suối - nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Bên cạnh đó, cần yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản sau khi mỏ hết hạn khai thác cần hoàn thổ hoặc có giải pháp rào chắn, có bảo vệ túc trực để ngăn chặn những trường hợp đuối nước có thể xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!