Sau đợt dịch COVID-19, kinh tế người dân trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là những người lao động nghèo. Anh Nguyễn Cao Sơn, Chủ nhiệm quán Yên Vui tại Đống Đa cho biết: "Anh chị em trong quỹ từ thiện, bạn bè đã cùng chung tay gấp rút xây dựng quán Yên Vui ở Hà Nội. Chỉ sau 2 tháng là quán đã đi vào hoạt động".
Những chồng thẻ để đổi đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Quán cơm đặc biệt này có diện tích khá nhỏ hẹp nhưng có đầy đủ các trang bị, vật dụng như một quán cơm bình thường. Mọi dụng cụ trong quán đều được các nhân viên và tình nguyện viên lau rửa sạch, xếp ngăn nắp và có bảng chú thích đầy đủ để người dân có thể tự phục vụ.
Không gian bếp được cải tạo lại từ một căn nhà cấp 4 đã trở nên sạch sẽ, ngăn nắp hơn. Những người tình nguyện tham gia nấu ăn cũng đeo khẩu trang, găng tay đầy đủ để đảm bảo vệ sinh cho mọi người.
Mỗi ngày quán sẽ phục vụ từ 120 - 150 suất cơm.
Thực đơn các món ăn được thiết kế theo từng ngày.
Một suất cơm có các món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cả rau và thịt, kèm theo hoa quả tráng miệng.
Tình nguyện viên là các bạn sinh viên đại học đang chuyển các khay cơm xếp vào giá. Mỗi khay cơm đều có nắp nhựa để tránh bụi bẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các bát canh sẽ được chia sẵn ra từng bát để người dân có thể tự lấy.
Nhân viên nhà hàng và các bạn tình nguyện viên tranh thủ ăn cơm cùng nhau trước khi phục vụ người dân.
Quán mở từ 10h30 mỗi thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần. Khoảng thời gian cao điểm của quán rơi vào tầm 11h30 đến 12h30, khi bà con nghỉ tay để ăn trưa, tiếp sức cho công việc buổi chiều. Anh Sơn cho biết, dự kiến qua Tết dương lịch, quán sẽ mở bán vào các buổi trưa từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.
Chỉ 2.000 đồng là có được một suất cơm no bụng. Ngoài ra, quán cũng bán cơm chay với giá 1.000 đồng. Nhiều hôm khi quán đang dọn hàng chuẩn bị đóng cửa mà vẫn có khách ghé qua, anh Sơn và mọi người sẽ chuẩn bị mì gói cũng với giá 2.000 đồng chứ không để mọi người đến mà không được một bữa ăn nào.
Quán cơm tấp nập người đến ăn. Cũng có nhiều người đến ăn vì muốn trải nghiệm thử một bữa cơm giá 2.000 đồng. Quán luôn vui vẻ đón tiếp tất cả các vị khách hàng.
Một số người lớn tuổi sẽ đến để mua cơm về. Anh Sơn chia sẻ: "2.000 đồng chỉ là tượng trưng và cũng là số nhiều, thể hiện sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều nhà hảo tâm, các bạn tình nguyện viên. Bà con chi trả 2.000 đồng cho bữa ăn cũng cảm thấy thoải mái hơn, không ai nợ ai điều gì và cũng là để mọi người có động lực làm việc, đóng góp cho xã hội."
Mục đích của quán là đem lại cho bà con bữa cơm giá rẻ, đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng để làm việc, đặc biệt là bà con lao động. 2.000 không chỉ mang lại về mặt vật chất, mà trong bữa cơm còn có sự yên vui, một bữa cơm gia đình ấm áp, một bữa ăn có nụ cười, tình thương, niềm tin và sự tử tế ở trong đó.
Trong ngày hôm nay, anh Sơn và quán Yên Vui cũng nhận được một điều đặc biệt, đó là lá thư cảm ơn của bà Minh (80 tuổi). Đây không chỉ là niềm vui mà còn là động lực cho anh Sơn và mọi người trong quán tiếp tục làm việc, giúp đỡ những người lao động nghèo.
Bà Minh dắt xe đạp ra về sau khi ăn xong suất cơm 2.000. Rất nhiều người sau khi hoàn thành bữa ăn đã ra về với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi và không quên cảm ơn những nhân viên của quán.
Bức thư viết tay cảm ơn của bà Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!