ACV dùng nguồn tiết kiệm của Sân bay Long Thành để làm đường cất hạ cánh thứ 2

TTXVN-Thứ bảy, ngày 16/11/2024 12:43 GMT+7

VTV.vn - Nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện Dự án thành phần 3 của ACV góp phần quan trọng trong việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 Của Sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có thông tin giải thích về lợi ích rõ ràng của việc có thêm một đường cất hạ cánh ngay khi Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được đưa vào khai thác.

Lãnh đạo ACV cho biết theo quy hoạch, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất có thể phục vụ khoảng 50 triệu hành khách/năm. Năm 2023, sản lượng khai thác của Sân bay Tân Sơn Nhất đã đạt trên 41 triệu hành khách. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khoảng 71 triệu hành khách/năm.

Như vậy, trường hợp đường cất hạ cánh thứ 1 của Sân bay Long Thành gặp sự cố thì sẽ phải chuyển các chuyến bay sang Sân bay Tân Sơn Nhất, khi đó Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, máy bay sẽ phải bay chờ trên không, làm phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng tới môi trường.

"Vì vậy, việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của Sân bay Long Thành khi đường cất hạ cánh thứ 1 xảy ra sự cố, không phải chuyển sang Sân bay Tân Sơn Nhất đồng thời hỗ trợ tốt cho Sân bay Tân Sơn Nhất trong trường hợp gặp sự cố," lãnh đạo ACV quả quyết.

Phía ACV cũng cho rằng trường hợp sau khi giai đoạn 1 đưa vào vận hành mới đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ làm gián đoạn khai thác Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành do phải đấu nối hạ tầng, hệ thống điều khiển kỹ thuật… với đường cất hạ cánh thứ 1. Ngoài ra việc xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác cảng do bụi đất phát sinh trong quá trình thi công.

Mặt khác, lãnh đạo ACV thông tin thêm, chi phí đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 được cân đối trọn vẹn trong tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 3-Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do ACV làm chủ đầu tư. Do đó, chi phí đầu tư không tăng nhưng năng lực và hiệu quả khai thác của Sân bay Long Thành tăng lên, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án.

Cụ thể, trong quá trình thực tiễn triển khai Dự án thành phần 3, ACV đã tiết kiệm được khoảng gần 4.000 tỷ đồng (lớn hơn sơ bộ tổng mức đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 là khoảng 3.300 tỷ đồng), trong đó bao gồm tiết kiệm từ chi phí dự phòng (sau khi đã tính đầy đủ chi phí dự phòng cho tất cả các gói thầu đã ký hợp đồng và dự phòng đủ theo quy định cho một số ít các gói thầu còn lại sẽ tiếp tục được đấu thầu trong quý 4/2024 và đầu năm 2025) và đặc biệt là tiết kiệm trong đấu thầu.

"Những con số này đạt được nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi trong quá trình quản lý dự án của ACV khi cùng lúc đơn vị này phải đảm bảo chất lượng, tiến độ, an ninh an toàn trong quá trình thi công nhưng đồng thời vẫn luôn sát sao, thận trọng trong việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo các khoản giải ngân của doanh nghiệp Nhà nước luôn được thực hiện đúng quy định, hợp lý, không lãng phí," lãnh đạo ACV khẳng định.

Theo báo cáo của ACV, hiện nay các gói thầu như nhà ga, đường cất hạ cánh, đường T1-T2... tiến độ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt gói thầu đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ vượt tiến độ hơn 2 tháng, dự kiến đưa vào khai thác từ 30/4/2025. Còn gói thầu nhà ga hành khách đã xong phần thô, đang lắp kết cấu thép mái, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ 30/8/2026.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước