96% người khuyết tật lo mất an toàn tài chính, 30% bị mất việc làm thời COVID-19

Khánh Nguyễn-Thứ năm, ngày 18/03/2021 23:56 GMT+7

VTV.vn -Đây là đánh giá nhanh của UNDP trong giai đoạn COVID-19 hoành hành, đáng nói, 30% bị mất việc làm, và gần 60% bị cắt giảm thu nhập do tác động của COVID-19.

Một tháng trước ngày Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), tin vui đã đến với người khuyết tật tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: mô hình bệnh viện dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật vừa được khánh thành tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật bản, UNDP đã phối hợp với Trung tâm Y tế Huyện Lương Sơn và Trung Tâm hành động vì Sự phát triển của Cộng đồng (ACDC) xây dựng các hạng mục đường dốc và nhà vệ sinh tiếp cận với người khuyết tật, đồng thời cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng hiện đại, và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế về các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ bệnh nhân khuyết tật.

Anh Hoàng Văn Tính, 36 tuổi, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, không may bị chấn thương cột sống do tai nạn lao động năm 2010, và phải ngồi xe lăn từ đó. Anh Tính cho biết: "Khi mới bị tai nạn lẽ ra tôi phải thường xuyên phải đi khám bệnh và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, nhưng lúc đó Trung tâm y tế huyện chưa có trang thiết bị và bác sĩ được đào tạo về phục hồi chức năng, cũng chưa có đường dốc cho xe lăn đến được các khu khám chữa bệnh, nhà vệ sinh thì cửa rất hẹp, xe lăn không thể vào được. Tôi đã phải lên tận bệnh viện tỉnh hoặc Hà Nội, nhưng do điều kiện đi lại khó khăn và chi phí cao, tôi không đi khám và làm vật lý trị liệu thường xuyên được".

96% người khuyết tật lo mất an toàn tài chính, 30% bị mất việc làm thời COVID-19 - Ảnh 1.

Mô hình bệnh viện dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật được khánh thành tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn.

"Hôm nay, đến thăm Trung tâm, tôi mừng lắm vì nhờ có đường dốc tiếp cận và nhà vệ sinh phù hợp, tôi đã có thể tự đi lại bằng xe lăn, không cần có người nhà đi cùng mỗi khi đi khám bệnh. Khi tôi vào khám, các bác sĩ chủ động sắp xếp lại ghế để có khoảng cách cho xe lăn của tôi vào. Tôi còn được bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn trải nghiệm các thiết bị phục hồi chức năng hiện đại", anh Tính vui mừng nói.

Theo ông Hoàng Văn Kứu – Giám đốc Trung Tâm y tế Huyện Lương Sơn, từ giữa tháng 3, Khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng bắt đầu triển khai các hoạt động khám, điều trị phục hồi chức năng, đúng với nguyện vọng và nhu cầu của người dân địa phương và các dịch vụ này sẽ được bảo hiểm y tế chi trả. Người dân địa phương, đặc biệt là người khuyết tật giờ sẽ không phải lên bệnh viện tỉnh hay ra Hà Nội để điều trị phục hồi chức năng như trước đây.

Về các Hạng mục sửa chữa tiếp cận tại Trung Tâm, Giám đốc Hoàng Văn Kứu cho biết: "Sau khi sửa xong các hạng mục tiếp cận, chúng tôi nhận ra rằng: các công trình này không chỉ thân thiện với người khuyết tật mà còn thân thiện và phù hợp với tất cả mọi người từ: trẻ em, người già, bà mẹ mang thai, bà mẹ đẩy xe nôi, bệnh nhân phải chống nạng hoặc ngồi xe lăn, người đi lại khó khăn. Có thể nói, với sự hỗ trợ của dự án, chắc chắn chất lượng công tác khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng của Trung tâm sẽ được nâng cao và chúng tôi sẽ có thể phục vụ bệnh nhân khuyết tật tốt hơn".

96% người khuyết tật lo mất an toàn tài chính, 30% bị mất việc làm thời COVID-19 - Ảnh 2.

Người khuyết tật dễ dàng di chuyển tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn.

Việt Nam hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Đây là một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Kết quả Đánh giá nhanh của UNDP về Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật cho thấy 82% người trả lời quan ngại về bảo vệ sức khỏe của mình, 70% cho rằng có khó khăn trong tiếp cận chăm sóc y tế như khám bệnh, thuốc chữa bệnh, dụng cụ trợ giúp và dịch vụ phục hồi chức năng.

Phát biểu tại Lễ trao tặng thiết bị phục hồi chức năng và khánh thành các hạng mục sửa chữa tiếp cận tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn, bà Diana Torres, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam, nhấn mạnh: "Với đội ngũ bác sĩ được đào tạo về người khuyết tật và bình đẳng giới, cùng với hệ thống cơ sở vật chất đã được cải thiện, chúng tôi thực sự hy vọng rằng người khuyết tật trong huyện có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, từ đó họ có thể hòa nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội. Nhờ có các trải nghiệm tích cực với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây, người khuyết tật huyện Lương Sơn sẽ là nguồn cảm hứng để tiếp tục vận động và đi đầu trong những thay đổi tiên quyết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người khuyết tật ở các vùng nông thôn khác trên toàn quốc".

Đánh giá nhanh của UNDP cũng cho thấy 96% người khuyết tật được hỏi lo lắng về an toàn tài chính trong đại dịch COVID-19, 30% bị mất việc làm, và gần 60% bị cắt giảm thu nhập do tác động của COVID 19.

Để kịp thời hỗ trợ người khiếm thị xây dựng kỹ năng để có thể tận dụng các nền tảng số, tạo thêm việc tại nhà và cơ hội việc làm trực tuyến, giúp họ có thể làm việc một cách an toàn và cạnh tranh trong môi trường công nghệ 4.0, UNDP đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội người mù thành phố Hà Nội cung cấp Khóa đào tạo kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số cho người khiếm thị. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, sau 4 tháng, các học viên đã được trang bị kiến thức về xây dựng nội dung và kinh doanh trên nền tảng số và được bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ như máy tính, điện thoại thông minh để đăng bài đủ tiêu chí, quản lý đơn, quản lý doanh thu, nâng cao sự tự tin để có thể bán hàng online. Nhiều học viên đã có những kết quả cải thiện rõ rệt và gia tăng thu nhập từ 30-50% thông qua bán hàng online.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước