9 công nhân sản xuất bình ắc quy bị nhiễm độc chì

Thúy Vi, Văn Dương-Thứ tư, ngày 19/06/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các lao động đều không phát hiện mình bị nhiễm chì, cho đến khi khám tầm soát bệnh nghề nghiệp.

9 công nhân sản xuất bình ắc quy bị nhiễm độc chì trong quá trình lao động vừa phải điều trị tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp.

Bệnh nhân 27 tuổi là công nhân của một công ty sản xuất bình ắc quy, phải nhập viện do bị nhiễm chì nặng, không chỉ anh mà nhiều đồng nghiệp của anh cũng được phát hiện bị nhiễm độc chì.

Bệnh nhân cho biết: "Làm ở công ty tiếp xúc với bụi chì nhiều, làm được khoảng 10 năm. Khi mới nhập viện sợ thuốc vào cơ thể có phản ứng sốc, chịu không được nhưng sau khi uống thuốc 2 ngày đầu không sao, giờ thấy cũng đỡ".

9 công nhân sản xuất bình ắc quy bị nhiễm độc chì - Ảnh 1.

Theo bác sĩ, khi người bình thường tiếp xúc với bụi chì sẽ dẫn đến ngộ độc chì cấp tính, với các triệu chứng như đau bụng, hôn mê và các triệu chứng liên quan đến mạch máu. Nhưng những công nhân này thì khác, do đã làm việc lâu năm trong môi trường có bụi chì, dẫn đến nhiễm độc chì mãn tính và chỉ được phát hiện khi khám tầm soát bệnh nghề nghiệp ở công ty.

Bác sĩ CKI Nguyễn Hoàng Dung, Phó Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết: "Chì trong máu một phần có thể đào thải qua nước tiểu, nhưng phần lớn sẽ hấp thu vào trong xương nên những công nhân này chưa có triệu chứng từ nhiễm độc chì, do người ta phơi nhiễm lâu năm. Các bệnh nhân này có chỉ số chì trong máu đều trên 100 mg/dl trong khi giới hạn của 1 người công nhân được phép trong môi trường có chì là dưới 40 mg/dl, như vậy tăng gấp 3, 4 lần so với người bình thường".

Nhiễm độc chì mãn tính có các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, đau nhức cơ, xương khớp, nên người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh nội khoa khác, nếu không phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

"Về lâu dài chì ngấm vào trong xương sẽ gây bệnh về ung thư xương, ảnh hưởng đến các cơ quan mạch máu, ung thư máu, dẫn đến các bệnh về cơ xương khớp, bệnh lý về tiêu hóa như cơn đau bụng chì", Bác sĩ Dung cho biết thêm.

Hiện tại, các bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc tách chì, kéo dài từ 10-15 ngày, sau điều trị, các bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại chì trong máu, nếu chì trong máu xuống dưới 20mg/dl thì bệnh nhân sẽ được xuất viện và hoạt động bình thường.

Bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ chính bản thân mình khỏi nhiễm độc chì nghề nghiệp thì công nhân tiếp xúc với chì cần được trang bị và sử dụng đồ bảo hộ lao động, không ăn uống tại nơi làm việc, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, khi thấy dấu hiệu nhiễm chì cần ngừng tiếp xúc và đi điều trị. Môi trường lao động có nguy cơ ô nhiễm chì cần thường xuyên kiểm tra, giám sát.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước