40% nạn nhân mua bán người là nam giới

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/07/2023 08:52 GMT+7

VTV.vn -Theo Bộ Công an, tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng.

Hôm nay (30/7) là Ngày phòng, chống mua bán người. Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người năm nay là "Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau".

40% nạn nhân mua bán người là nam giới - Ảnh 1.

Thống kê của Bộ Công an, tại Việt Nam, giai đoạn từ 2018 đến hết 2022, mua bán người trong nội địa chiếm 34%, nạn nhân là nam giới chiếm 27%. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay, mua bán người trong nội địa và nạn nhân nam giới chiếm trên 40%, trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán.

40% nạn nhân mua bán người là nam giới - Ảnh 2.

Nhiều thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người

Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm mua bán người cũng có nhiều thủ đoạn mới, phức tạp và tinh vi hơn.

Các đối tượng thường sử dụng các tài khoản ảo, qua SIM điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có…, sau đó tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới. Các nạn nhân bị cưỡng bức lao động, lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp...

40% nạn nhân mua bán người là nam giới - Ảnh 3.

Mọi giao dịch kết nối ban đầu đều bắt nguồn từ mạng xã hội. Các nạn nhân ban đầu đều muốn tìm việc làm. Các trang Facebook, TikTok, Telegram ẩn danh mời gọi, giới thiệu việc nhẹ lương cao… nhưng thực chất đã dẫn dắt các nạn nhân đến những đường dây mua bán người.

Tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi khi tận dụng không gian mạng. Mua bán người cả trong nội địa và xuyên biên giới với nhiều đường dây tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

Từ đầu năm 2018 đến hết năm 2022, số vụ mua bán người để bán ra nuớc ngoài chiếm khoảng 66% tổng số vụ. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều vụ mua bán người trong nước, ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động... bị phát hiện.

Năm 2022, cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra 41 vụ/136 đối tượng mua bán người trong nội địa, lừa bán 110 nạn nhân, chiếm trên 45% tổng số vụ.

Quý I năm nay, cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra 28 vụ/99 đối tượng mua bán người trong nội địa, chiếm 50% tổng số vụ).

Ngoài ra, tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá cũng xuất hiện. Ở một số nơi còn nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng cho nhận con nuôi. Mua bán người để bán nội tạng cũng là một vấn đề nóng. Việt Nam không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn, mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Phòng chống mua bán người là nhiệm vụ cấp bách

Tội phạm mua bán người để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Các địa phương đang triển khai cao điểm tuyên truyền và tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác để đẩy lùi nạn mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị buôn bán người.

Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đặc biệt là không tin theo những lời mời gọi "việc nhẹ, lương cao" hoặc vẻ hào nhoáng của cái gọi là "hôn nhân ngoại quốc".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước