Buổi tư vấn trực tuyến "Viêm khớp dạng thấp và thay khớp cho bệnh nhân thấp khớp" thu hút nhiều người quan tâm. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Bệnh xương khớp là nhóm bệnh lý khá phổ biến ở độ tuổi khoảng 45 trở lên. Tuy nhiên, một trong những bệnh lý cơ xương khớp không phân biệt độ tuổi mà nhiều người mắc phải là viêm khớp dạng thấp.
Trước câu hỏi cấp thiết về cách điều trị và "chung sống" với căn bệnh rắc rối này, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp và Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề hữu ích: "Viêm khớp dạng thấp và thay khớp cho bệnh nhân thấp khớp".
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết: "Trước đây, viêm khớp dạng thấp làm cho bệnh nhân khổ sở vì đau đớn, thậm chí phải nằm một chỗ. Ngày nay, ngoài việc điều trị nội khoa, thay khớp được coi là một cuộc cách mạng giúp cho người ta có thể chung sống hòa bình với bệnh. Theo thời gian, cải tiến từ vật liệu tạo ra khớp nhân tạo; đến máy móc, kỹ thuật hiện đại được áp dụng, khiến tuổi thọ khớp có thể kéo dài từ 20-25 năm. Người bệnh hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật, đi lại sau 24 giờ".
Bác sĩ Nam Anh cũng cho biết tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang ứng dụng công nghệ thực tế ảo hiện đại bậc nhất thế giới qua "hệ thống mắt thần" và kỹ thuật thay khớp không cần cần cắt cơ… Nhờ những công nghệ, kỹ thuật này mà cuộc phẫu thuật khớp diễn ra nhanh, chính xác, thời gian phục hồi nhanh hơn. Bệnh nhân sau phẫu thuật xương khớp không quá đau đớn, tình trạng bệnh được cải thiện rõ rệt.
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn hệ thống mạn tính, chủ yếu gây tổn thương các khớp. RA gây ra các tổn thương do các cytokine, chemokine, và các metalloprotease. Biểu hiện bệnh đặc trưng là viêm đối xứng các khớp ngoại vi (ví dụ, khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay), dẫn đến sự hủy hoại tiến triển của cấu trúc khớp, thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân. Điều trị bao gồm thuốc, các biện pháp thể chất và phẫu thuật. Các thuốc chống thấp khớp giúp kiểm soát các triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh.
ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, chuyên gia có hơn 10 năm học nội trú tại Pháp về chấn thương chỉnh hình. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Viêm khớp dạng thấp khởi phát với những triệu chứng nhẹ như sưng đau, cứng khớp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Thậm chí dấu hiệu cứng khớp buổi sáng có thể kéo dài trong nhiều giờ làm cho người bệnh bị giảm hoặc mất vận động, trường hợp nặng họ có thể không tự phục vụ được bản thân. Ở giai đoạn nặng, bệnh có nguy cơ gây dính và biến dạng các khớp, tổn thương khớp, gân, dây chằng từ đó gây bán trật khớp, tàn phế.
Viêm khớp dạng thấp có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, độc giả có người thân lớn tuổi đang mắc bệnh lo lắng việc teo cơ kèm theo và nguy hiểm khi thay khớp cho người lớn tuổi. ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đã giải thích: "Nếu bệnh nhân thoái hóa khớp đã điều trị nội khoa mà vẫn đau đớn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày hoặc tổn thương khớp nặng nề gây mất chức năng thì nên cân nhắc phẫu thuật".
Khi quyết định phẫu thuật khớp cho người lớn tuổi thì các nguy cơ sẽ cao hơn bình thường, điều đáng e ngại nhất khi phẫu thuật là tình trạng huyết khối tĩnh mạch hay thuyên tắc phổi, hoặc nhồi máu cơ tim ở người già.
Tuy nhiên, tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thì những nguy cơ này thường được sàng lọc nhờ sự phối hợp điều trị đa chuyên khoa. Các bác sĩ chỉnh hình, bác sĩ nội khoa, bác sĩ tim mạch sẽ cùng phối hợp để làm giảm thiểu nguy cơ khi phẫu thuật khớp cho người lớn tuổi.
Trước câu hỏi về thời gian phẫu thuật khớp có kéo dài không, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đã có những giải thích rất chi tiết. Tùy theo loại khớp bệnh nhân cần thay, nhưng thời gian thay khớp thông thường khá nhanh chỉ tầm 45 phút, ngoài các công đoạn chuẩn bị trước mổ, trong mổ và sau mổ. Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi phẫu thuật xương khớp hàng ngày, mà làm hàng ngày thì quen tay và quen tay thì sẽ không khó khăn".
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, chuyên gia hàng đầu phẫu thuật nội soi khớp, tư vấn trong buổi livestream. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trong một câu hỏi độc giả đưa ra về việc sử dụng thuốc điều trị thấp khớp và viêm khớp dạng thấp, một sai lầm trong việc điều trị được TTƯT.PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đưa ra là: "Có người bệnh theo đơn cũ của bác sĩ mà sử dụng "một toa" trong 3 năm, không gặp bác sĩ tái khám. Bệnh nhân bị nhờn thuốc và gặp các biến chứng tim mạch và phổi. Người bệnh không biết mỗi giai đoạn bệnh cần có những đơn thuốc khác nhau thích hợp".
Bác sĩ Hoa cũng nói thêm công thức chung để điều trị viêm khớp dạng thấp là dùng các thuốc chống viêm làm cho quá trình viêm ở trong khớp đỡ đi giúp bệnh nhân đỡ đau. Nhóm thuốc thứ hai cần được sử dụng là các thuốc làm thay đổi diễn biến của bệnh, nhóm thuốc này thường kết hợp từ 2-3 loại thuốc để đa trị liệu điều trị các bệnh lý đi kèm.
TTƯT.PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, người được mệnh danh là "nữ anh hùng áo trắng của ngành Nội - Cơ xương khớp". Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Ví dụ với những người rối loạn giấc ngủ, người bệnh có các biểu hiện tổn thương ở phổi gây xơ phổi, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tăng axit uric… Chính vì vậy, mà người bệnh sử dụng thuốc cần phải có sự hướng dẫn chặt chẽ giám sát của các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp cũng như các bác sĩ khác. Đặc biệt không thể áp dụng "một toa" chung cho người bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc dùng "một toa" cho những giai đoạn bệnh khác nhau.
Nhìn chung, theo các chuyên gia viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính cần được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị đúng phác đồ để hạn chế các triệu chứng cũng như biến chứng của bệnh, đảm bảo khả năng vận động cho người bệnh. Với những công nghệ hiện đại ngày nay và sự tiến bộ của y khoa, người bệnh có thể chung sống với viêm khớp dạng thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!