Điều đáng nói, toàn bộ 12 hầm đường sắt này đều nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, một tuyến vận tải huyết mạch của đường sắt. Thực tế này cho thấy, cần sớm có kế hoạch sửa chữa cải tạo, đồng thời ưu tiên phân bổ nguồn lực cho công tác này, để đảm bảo an toàn khai thác chạy tàu.
Theo quy định, trước và sau khi tàu qua hầm, cán bộ chốt trực phải đi kiểm tra toàn bộ tuyến. Với mật độ gần 20 chuyến tàu mỗi ngày, từ gần 10 năm nay, hàng ngày anh Sinh phải đi quãng đường gần 10 km, dù đường hầm số 6 tại lý trình 725+323 tuyến đường sắt Bắc - Nam này có chiều dài chỉ hơn 200 m. Tuy nhiên đây là việc làm cần thiết để đảm bảo an toàn chạy tàu.
"Mùa mưa bão, nước ở trong hầm chảy rất là nhiều, nhất là khoang 17 hay các khoang khác như 19, 20. Thời gian lâu dài, hầm có khả năng sẽ bị lún sụt", anh Lưu Văn Sinh, Công ty Cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên, cho biết.
Theo Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, hầm số 14 là hầm đường sắt dài nhất qua đèo Hải Vân (944,1m). Đây cũng là hầm đang xuống cấp nặng nề do thời gian khai thác đã gần 100 năm (hầm khởi công xây dựng từ năm 1927 - 1931). (Ảnh: NLĐ)
Ngoài việc vỏ hầm bằng bê tông hoặc đá hộc xây bị phong hóa, nứt vỡ, thấm nước, hầm số 6 cũng nằm dưới tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua đèo Mũi Né thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Mật độ xe tải trọng lớn lưu thông cao càng gây thêm nguy cơ xảy ra sự cố với hầm đường sắt khi có những đoạn đỉnh hầm chỉ cách mặt đường chưa đầy 10 m. Đây cũng chỉ là 1 trong 12 hầm đường sắt tuyến Bắc - Nam đang trong tình trạng xuống cấp.
"Đơn vị chúng tôi đã kiến nghị với cấp trên cần đại tu, sửa chữa lớn hoặc đầu tư bằng các nguồn vốn lớn hơn để cải tạo lại các hầm yếu, trong đó vừa cải tạo vừa mở rộng khổ giới hạn ra để đảm bảo khai thác", ông Nguyễn Bá Phúc, Phó Giám đốc Công Cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên, cho hay.
"Cùng với tổng công ty, chúng tôi đã rà soát và có báo cáo gửi bộ về những công trình, đặc biệt là công trình hầm. Những công trình có nguy cơ gián đoạn giao thông đường sắt thì sẽ ưu tiên bố trí sắp xếp đầu trung hạn tới là phải triển khai ngay", ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, thông tin.
Nguồn vốn trung hạn tới là cho giai đoạn 2026 - 2030. Điều đó có nghĩa để có vốn cải tạo sửa chữa cần chờ thêm 2 năm nữa. Vì vậy, ngành đường sắt cũng kiến nghị ưu tiên bố trí vốn để gia cố khẩn cấp 12 hầm đang xuống cấp này. Đây thực sự là điều cần thiết, nhất là sau 2 vụ sụt hầm đường sắt xảy ra trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Sự cố nào cũng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng để sửa chữa và ảnh hưởng gián đoạn chạy tàu. Tuy nhiên đây vẫn là điều may mắn, bởi nếu sự cố xảy ra khi có đoàn tàu khách chạy qua thì thiệt hại không thể đong đếm bằng tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!