110 năm nhìn lại phong trào Đông Du: Cải cách bắt đầu từ khai trí

Anh Duy-Thứ ba, ngày 20/01/2015 18:52 GMT+7

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm (từ trái qua: Giáo sư Chương Thâu, Thạc sỹ Đào Tiến Thi)

Những giá trị của phong trào Đông Du - một trong những phong trào mạnh mẽ, gây được nhiều tiếng vang nhất trong thế kỷ 20 tại Việt Nam, vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng cho tới hôm nay.

Ngày 19/1, tại trung tâm văn hóa Pháp L’espace 24 Tràng Tiền Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Phan Bội Châu và phong trào Đông Du” kỷ niệm 110 năm ngày Phan Bội Châu khởi động chiến dịch đưa thanh niên, trí thức yêu nước sang Nhật du học. Chương trình có sự tham gia của Giáo sư Chương Thâu – người đã dành hơn 50 năm tìm hiểu, nghiên cứu về Phan Bội Châu và Thạc sỹ Đào Tiến Thi của NXB Giáo dục.

Mở đầu cuộc hội thảo là phần trình bày của Giáo sư Chương Thâu về phong trào Đông Du. Ông đã chỉ ra một điểm quan trọng trong quá trình cụ Phan Bội Châu ở Nhật, đó là khi nhận được lời khuyên “ẩn nhẫn chờ thời” cũng như so sánh về dân trí giữa hai đất nước, Phan Bội Châu đã quyết định chuyển từ cầu viện sang cầu học, đưa nhân sĩ, trí thức trong nước sang Nhật học tập. Theo giáo sư Chương Thâu: “Điều này đã cho thấy sự ứng biến, linh hoạt trong cách nghĩ của Phan Bội Châu khi cụ nhận thấy cải cách cần phải khai trí trước. Cụ đã nhận ra vai trò to lớn của tư tưởng, văn hóa trong phong trào cứu nước”.

Giáo sư Chương Thâu

Giáo sư Chương Thâu

Thạc sỹ Đào Tiến Thi đã cung cấp những góc nhìn rất mới về cảm nghĩ Phan Bội Châu với đất nước Nhật Bản. Sự tiếp xúc đầy đủ với văn hóa Nhật cũng như con người Nhật được thể hiện rất rõ nét qua những ghi chép của cụ Phan Bội Châu được ông sưu tầm. Ở đó hiện lên một dân tộc Nhật Bản “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” với Việt Nam nhưng có những suy nghĩ, tư tưởng tiến bộ, hiện đại. Về vai trò của phong trào Đông Du, Thạc sỹ Đào Tiến Thi chỉ ra: “Phong trào đã góp phần chuyển biến lịch sử Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt là tư duy, khi phong trào trở thành một chất xúc tác cho việc từ bỏ tư duy giáo điều chuyển sang tư duy thực tiễn. Ngoài ra, đó còn là việc hội nhập với thế giới, trước hết là cộng đồng, khu vực”.

Các khách mời của buổi tọa đàm (từ trái qua: Giáo sự Chương Thâu, Thạc sỹ Đào Tiến Thi)

Các khách mời của buổi tọa đàm (từ trái qua: Giáo sư Chương Thâu, Thạc sỹ Đào Tiến Thi)

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá từ đông đảo công chúng thuộc các lứa tuổi. Bạn Đỗ Minh Tâm - sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền chia sẻ: “Mình thấy hội thảo rất thú vị. Mình đặc biệt thích chi tiết cụ Phan Bội Châu đến gặp bá tước Ôi Trọng Tín – cựu Thủ tướng Nhật Bản và được ông gợi ý về việc chấn hưng dân trí trước khi tìm đường cách mạng. Đây là bước ngoặt của phong trào Đông Du”.

Ông Hoàng Anh Thông cho biết: “Tôi rất quan tâm đến các quan điểm của Phan Bội Châu. Đó là những tư tưởng rất tiến bộ, thậm chí là đi trước thời đại. Ngày nay có những vấn đề nếu chúng ta tham khảo lại những tư tưởng của cụ đều có thể thấy được câu trả lời”.

Các khán giả rất quan tâm đến buổi tọa đàm

Các khán giả rất quan tâm đến buổi tọa đàm

Các khách mời đã dành khoảng thời gian cuối để trả lời câu hỏi từ khán giả tham gia. Kết thúc buổi tọa đàm, Thạc sỹ Đào Tiến Thi đã nhắc lại 2 câu thơ về lý tưởng dân chủ của cụ Phan Bội Châu, trích từ Hải ngoại huyết thư: "Người dân ta của dân ta/Dân là dân nước, nước là nước dân".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước