Messi và C.Ronaldo đều thiếu đi một danh hiệu World Cup trong sự nghiệp để đi vào ngôi đền của những huyền thoại.
Tiếng còi mãn cuộc vang lên trên sân Kazan Arena khi đồng hồ đếm giờ điểm phút 90+4', từ bên ngoài sân, các cầu thủ dự bị của ĐT Pháp ùa vào ăn mừng với những ngôi sao Les Bleus đã mang về chiến thắng 4-3 trước Argentina.
Lọt thỏm trong niềm vui phá tan cái "dớp" thua nhiều hơn thắng trước Albiceleste của người Pháp, là nỗi buồn ê chề của đội bóng áo xanh trắng trong quyền HLV Jorge Sampaoli.
Thoát ra tiếng thở dài, Messi tay chống nạnh nhìn xa xăm. Nỗi đau thất bại là điều thậm chí có thể sờ thấy ở anh, nhưng ánh mắt vô hồn, thèm thuồng nhìn chiếc cúp vàng World Cup trôi qua tầm tay như tại Brazil 4 năm về trước đã không còn nữa. Không giống như niềm lạc quan vô bờ bến của hàng triệu người dân quốc gia Nam Mỹ, hơn ai hết, Messi có lẽ hiểu rằng, việc Argentina đi sâu hay thậm chí là vô địch ở giải đấu năm nay, thực ra, còn khó tin hơn là một thất bại trước một đội Pháp đồng đều các tuyến và là tập hợp của 11 ngôi sao ở cả 11 vị trí trên sân.
Messi buồn bã sau thất bại của ĐT Argentina trước ĐT Pháp.
Trước sức trẻ của ĐT Pháp, Messi đã trình diễn một trận đấu tuyệt vời. Dù luôn bị phong toả bởi Kante và Matuidi và 1-2 cầu thủ khác tuỳ vào từng khu vực đi bóng, nhưng các thống kê cho thấy, Messi vẫn hoàn hảo trong những pha xử lý ở những khoảnh khắc ít ỏi thoát được sự kèm cặp của 1/3 đội Pháp xung quanh: tỷ lệ chuyền thành công 84% (trong 39 lần có bóng), 4 nỗ lực dứt điểm, chiến thắng trong hầu hết các pha đi bóng, in dấu giày trong 2 bàn thắng của ĐT Argentina và lưới Hugo Lloris.
Nhưng thất bại vẫn phải đến, khi theo sau Messi là những "ông lão" Argentina quen mặt y hệt giải đấu 4 năm trước, khi sức trẻ kế cận chưa cho thấy sự trưởng thành đủ để giúp đoàn tàu Albiceleste uể oải lăn bánh về phía trước. Người ta khen Kylian Mbappe với một pha đi bóng làm sống lại ký ức hơn 1 thập kỷ trước về Messi, nhưng lại chẳng ai nhớ hàng thủ Argentina đã chậm và tệ hại thế nào từ đầu chiến dịch FIFA World Cup™ 2018 tới nay.
Một mình C.Ronaldo chẳng thể giúp Bồ Đào Nha làm nên kỳ tích tại FIFA World Cup™ 2018
Chia sẻ tâm trạng này với Messi một cách toàn vẹn nhất, có lẽ chính là người cạnh tranh với anh trong suốt 1 thập kỷ qua của sự nghiệp – C.Ronaldo. Trước Uruguay, Bồ Đào Nha vượt trội ở các thông số như kiểm soát bóng (67%), dứt điểm (20, gấp 4 lần so với Uruguay), nhưng tính hiệu quả là vô cùng thấp với chỉ số sút trúng khung thành Uruguay vỏn vẹn 5 lần và ghi được 1 bàn thắng.
Trong sắc bã trầu nhợt nhạt của Bồ Đào Nha, nỗ lực tuyệt vời của CR7 với 4 bàn thắng ghi được, giúp Selecao châu Âu vượt qua vòng bảng với vị trí nhì bảng để đụng độ Uruguay tại vòng knock-out. Nhưng trước một Uruguay chơi phản công quá xuất sắc với những quái kiệt như Cavani hay Suarez, một Uruguay phòng ngự cực kỳ bài bản và có tổ chức dưới sự chỉ đạo của Godin, khi C.Ronaldo bị khóa chặt, Bồ Đào Nha gần như vô hại. Messi thở dài, còn C.Ronaldo nhắm nghiền mắt gặm nhấm nỗi đau trong kỳ World Cup dường như là cuối cùng trong sự nghiệp của mình.
Messi từng đưa Argentina vào tới chung kết World Cup 2014, C.Ronaldo còn thành công hơn thế khi giúp Bồ Đào Nha đăng quang ngôi vương tại Euro 2016 theo cách khó tin nhất. Và điều đó khiến người ta thực sự kỳ vọng họ sẽ có cơ hội đường hoàng đi vào lịch sử bóng đá thế giới như những Pele, Maradona, Ronaldo (người ngoài hành tinh), Zidane…
4 năm trôi qua, 1 siêu sao ở độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp, đã bước qua ranh giới của tuổi ba mươi. 1 thiên tài nghị lực hăng say mài dũa trình độ chơi bóng ngày đêm với mong muốn "giữ chân" bằng với lớp cầu thủ trẻ, cũng đã ở tuổi 33.
Messi và C.Ronaldo có thể cải thiện khả năng chơi bóng để đạt tới mức thượng thừa nhưng cũng bất lực trước dòng chảy của thời gian.
Thế giới ngày một "phẳng" đang kéo đời sống của tất cả các quốc gia trên thế giới lại gần nhau hơn. Và khoảng cách trình độ bóng đá toàn cầu cũng vì thế dần trở nên mờ nhạt. Qua rồi cái thời bóng đá một người, tiqui-taca không còn của riêng Barcelona, bóng đá tổng lực chẳng phải là thương hiệu của bóng đá Hà Lan nữa, phòng ngự phản công thậm chí còn được nhiều đội bóng mạnh lựa chọn…
Chẳng còn là điều không thể tin được khi Nhật Bản đánh bại một Colombia được đánh giá cao hơn rất nhiều; hay đua thể lực với những cầu thủ Ba Lan to con. Việc Đức bị Hàn Quốc loại cũng vì thế mà chỉ rộ lên ít ngày rồi lại "chìm nghỉm" trong một "biển" thông tin dày đặc; và rồi những cái tít như Iran, Marocco cầm hòa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đã hết "thịnh hành".
Thử hỏi, nếu Maradona thi đấu ở thời đại này, VAR sẽ khiến ông nhận một thẻ phạt thay vì bàn thắng siêu vô lý góp phần giúp Argentina thổi phăng ĐT Anh trên đường đăng quang ngôi vô địch World Cup Mexico 1986? Nếu Pele cùng thời với những Ronaldo, Rivaldo, hay muộn hơn là Ronaldinho hoặc thậm chí là Neymar ngày nay, chưa chắc cái tên ấy đã trở nên không bao giờ phai trong trái tim những người hâm mộ bóng đá? Ngược lại, nếu Messi xuất hiện 40 trước, Argentina sẽ chẳng cần "bàn tay của Chúa" để tiến đến đỉnh thế giới, còn C.Ronaldo sẽ được coi là "người ngoài hành tinh" chứ không phải một gương mặt khác?
Nhưng dòng chảy thời gian là thứ duy nhất mà loài người bất lực thay đổi.
Messi, C.Ronaldo: Về thôi! Thời thế thế thời…