Xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài: Cần chế tài mạnh

Đặng Công - Phú Cường (VTV9)Cập nhật 09:41 ngày 30/10/2019

VTV.vn - Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh thành, trong đó có 8 tỉnh giáp biển. Mỗi năm, có hàng trăm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 2019, Chính phủ đã có quy định bắt buộc các tàu cá có chiều dài 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bộ thiết bị giám sát hành trình có chi phí lắp đặt từ 20 - 40 triệu đồng tùy theo loại. Thiết bị này mang lại lợi ích cho cả chủ tàu lẫn cơ quan quản lý. Phần lớn chủ tàu cá ở ĐBSCL không ra khơi đánh bắt mà giao hết cho thuyền trưởng. Có thiết bị hành trình, chủ tàu có thể giám sát tài sản của mình thông qua một chiếc điện thoại thông minh. Về phía cơ quan chức năng, thiết bị hành trình giúp họ kiểm soát được tàu cá đang đánh bắt ở vùng biển thuộc chủ quyền nước ta hay đã vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi xảy ra tai nạn, họ có thể biết vị trí chính xác để đưa phương tiện ra hỗ trợ, giúp đỡ.

Dù có lợi ích thiết thực như vậy nhưng vẫn còn nhiều chủ tàu cá cố tình vi phạm không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều chủ tàu cá ở tỉnh Cà Mau có nhiều hành vi gian dối trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Chính quyền địa phương không loại trừ khả năng ngư dân tự ngắt thiết bị nhằm thoát khỏi sự giám sát của cơ quan chức năng khi sang vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.

Không chỉ tỉnh Cà Mau, ở một số địa phương ven biển khác, tình trạng ngư dân lắp đặt thiết bị hành trình sai quy định hoặc cố tình ngắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình cũng xảy ra. Trong thời điểm nước ta đang vướng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, hành vi này vô cùng bất lợi cho ngành khai thác thủy sản.

Nhiều ý kiến cho rằng để chống nạn đánh bắt trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài, cần phải có giải pháp mạnh tay hơn so với việc tuyên truyền kết hợp với xử lý. Đó là tăng mức xử phạt các tàu cá đánh bắt trái phép theo Nghị định 42 năm 2019 của Chính phủ. Mới đây, tỉnh Bến Tre đã xử phạt một chủ phương tiện vi phạm với mức phạt 800 triệu đồng. Đây được xem là mức phạt cao nhất từ trước tới nay ở địa phương này.

Tình trạng đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn ảnh hưởng chung đến nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng thủy sản mà Ủy ban châu Âu đã cảnh báo với nước ta. Để ngăn chặn hành vi này, giải pháp xử lý nghiêm các phương tiện cố tình vi phạm cần phải được các địa phương khác áp dụng nhằm tạo sự răn đe với các chủ tàu cá.

Ngư dân Bình Định cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài Ngư dân Bình Định cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

VTV.vn - Chủ tàu cá không ký cam kết về không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác sẽ không được ra khơi. Đây là quy định được triển khai rộng rãi tại Bình Định

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.