Từ năm 2014, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Tổng cục Thủy sản đã bắt đầu triển khai Dự án cải thiện nghề cá đối với nghề câu cá ngừ đại dương ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Cùng với dự án này, khai thác và chế biến cá ngừ ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực và đó cũng chính là cơ sở để cá ngừ Việt Nam được gắn nhãn sinh thái. Như vậy, khai thác cá ngừ nói riêng và nghề cá nói chung của Việt Nam không thể nằm ngoài yêu cầu phát triển bền vững.
Từ lâu nay, cá ngừ do ngư dân Việt Nam khai thác được các doanh nghiệp trong nước chế biến, xuất khẩu nhưng chưa được gắn nhãn sinh thái. Điều này cũng đồng nghĩa mất đi cơ hội để nâng giá trị cho mặt hàng cá ngừ. Nói cách khác, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ cao hơn, không chỉ ở mức 700.000 USD mỗi năm nếu cá ngừ được gắn nhãn sinh thái MSC.
Từ năm 2014, nghề khai thác cá ngừ ở Việt Nam đã bắt đầu thay đổi theo hướng tuân thủ các quy định mà Ủy ban Thủy sản Tây và Trung Thái Bình Dương đưa ra. Mỗi năm, chỉ riêng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đã đạt 17.000 - 18.000 tấn. Để được gắn nhãn sinh thái, vẫn còn nhiều nội dung mà nghề khai thác cá ngừ cần phải hoàn thiện theo hướng khai thác có trách nhiệm. Đây không chỉ là yêu cầu đối với riêng khai thác cá ngừ mà cũng là hướng đi chung của nghề cá Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!