Truyền thông chống dịch COVID-19 - Điểm sáng từ TP.HCM

VTV9Cập nhật 21:07 ngày 08/04/2020

VTV.vn - Hiểu biết, tin tưởng, không chủ quan nhưng không hoang mang là những kết quả từ nỗ lực truyền thông đến hơn 10 triệu cư dân ở TP.HCM trong suốt thời gian qua.

Người dân trên cả nước đều nhận được tin nhắn từ Bộ Y tế tới số thuê bao điện thoại hay các ứng dụng mạng xã hội như Zalo. Cư dân của TP.HCM còn nhận được nhiều sự quan tâm hơn trong 2 tháng qua như tờ rơi khuyến cáo 12 điều người dân thành phố cần làm ngay trong 14 ngày "vàng" ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là sản phẩm truyền thông mới nhất, kịp thời nhất trong mũi nhọn ưu tiên hàng đầu trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.

Ngày 5/2/2020, chỉ 5 ngày sau khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh viêm hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, 5 triệu cuốn cẩm nang hỏi đáp về dịch bệnh COVID-19 đã được TP.HCM chuyển đến hơn 2 triệu hộ gia đình. 400.000 bản tiếng Anh và tiếng Trung Quốc được phát cho các công ty lữ hành du lịch, những điểm đến du lịch và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại thành phố.

Liên tục sau đó, Fanpage của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố có các hướng dẫn về việc sử dụng khẩu trang đúng cách, giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt nhấn mạnh vào việc truyền thông tại các địa điểm tập trung đông người như hệ thống giao thông công cộng. Việc thông tin tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đảm bảo đến được với mỗi một đối tượng, hoàn cảnh.

Khi bước vào giai đoạn gia tăng số lượng người nhiễm do hành khách đến thành phố từ các quốc gia đang bùng phát dịch, 12 triệu số thuê bao điện thoại của cư dân thành phố cùng hàng triệu tài khoản Zalo đều nhận được lời mời khai báo y tế cùng hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Việc kịp thời, thường xuyên cập nhật  tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới được thực hiện đồng thời với công tác nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch, tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng. Đây cũng là biện pháp để ngăn chặn, bác bỏ những thông tin sai lệch gây hoang mang cho cộng đồng.

Đường dây nóng 1022 hoạt động 24/7 đã trở thành kênh tiếp nhận các thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, TP.HCM vận hành trang thông tin điện tử cung cấp địa chỉ điểm bán khẩu trang, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại của thành phố để đảm bảo sinh hoạt thông thường cho cư dân.

Với nền tảng của một đô thị thông minh đang thành hình, việc đưa thông tin cập nhật đến với mỗi cư dân thành phố không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, có thể thấy là TP.HCM đã không để ai bị bỏ lại phía sau trên mặt trận truyền thông khi liên tục có sự điều chỉnh trong chiến lược tuyên truyền và cách thức tiếp cận người dân, từ những người có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Và chính nỗ lực này đã phát huy hiệu quả thấy rõ, ít nhất là đến thời điểm này, vừa đúng 2 tuần thời gian "vàng" để hạn chế tối đa số ca nhiễm bệnh COVID -19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rất cao các biện pháp được xác định là mũi nhọn này của thành phố.


Truyền thông để không kỳ thị trong phòng chống dịch COVID-19 Truyền thông để không kỳ thị trong phòng chống dịch COVID-19

VTV.vn - Nếu truyền thông kịp thời, người dân hiểu thấu đáo, sẽ không có chuyện đánh đồng giữa một bên là phòng chống dịch bệnh và bên kia là tâm lý kỳ thị.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.