Dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, theo phê duyệt đầu tư thì có tổng 393 căn nhà liền kề nằm ở 2 khu A và B. Danh sách người đủ điều kiện mua nhà được xác định tất cả là người chưa có nhà ở và có thu nhập thấp. Thế nhưng theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên thì có đến 1/3 số căn hộ đã bàn giao là người ở không chính chủ hoặc mua xong nhưng không ở. Nhiều người dân ở khu nhà ở xã hội khu B Nam Hùng Vương cho biết có rất nhiều hộ ở đây đã rao bán và sang nhượng nhà ở xã hội.
Không chỉ tại Phú Yên mà tại Bình Định, trong số 479 căn hộ thuộc Dự án nhà ở xã hội Long Thịnh, thành phố Quy Nhơn thì tới một nửa số có chủ hộ không đúng đối tượng, không chính chủ. Trong đó có đến 77 căn chuyển nhượng cho bên thứ 3 để kiếm lời. Trên các mạng mua bán bất động sản, có những căn nhà ở xã hội từ giá gốc khoảng 830 triệu đồng được rao bán lại hơn 1 tỷ 350 triệu đồng. Số tiền chênh lệch lên đến hơn 530 triệu đồng mỗi căn.
Do khoản tiền lời khá lớn nên nhiều người không quan tâm đến Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, chủ sở hữu căn hộ không được phép chuyển nhượng nhà ở xã hội dưới mọi hình thức trong tối thiểu 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng với bên bán, bên cho thuê mua.
Các hành vi bán, cho thuê lại nhà ở xã hội không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 50 - 60 triệu đồng. Ngoài ra người vi phạm buộc nộp lại số tiền trục lợi bất hợp pháp có được và bị thu hồi nhà ở. Đây chính là lời cảnh tỉnh cho những ai đang trục lợi nhà ở xã hội và là cảnh báo với những người muốn mua nhà ở xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!