Những chiếc thẻ ATM đã khá quen thuộc với nhiều cư dân đô thị. Tuy nhiên, dù có thẻ trong tay nhưng không ít người vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt mỗi khi đi mua sắm ở các kênh hiện đại. Một chuyên gia kinh tế đã từng nói, nếu để người tiêu dùng tin tưởng và thấy được lợi ích thật sự của việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, họ sẽ tự chuyển.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt có thể được thực hiện theo nhiều hình thức như: thanh toán bằng ví điện tử, qua thẻ ATM, qua điện thoại di động. Một cách thức thanh toán khác không dùng tiền mặt hiện nay không thể không nói đến là quét mã phản hồi nhanh QR. Mã QR bắt đầu xuất hiện khắp nơi như nhãn bìa sản phẩm và gần như là phương thức nhận diện chủ yếu cho các ứng dụng di động.
Hiện nay, không chỉ trong các giao dịch trên thị trường, Chính phủ cũng đang thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt với các dịch vụ công để tạo sự tiện lợi và giúp minh bạch hóa hơn các giao dịch dịch vụ công. Chính phủ quy định yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... ở đô thị phải phối hợp với ngân hàng để thu chi phí dịch vụ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, 95% số thu ngành hải quan qua hệ thống ngân hàng và 99% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử.
Đáng chú ý, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 230% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động được đẩy mạnh. Hiện nay, cả nước có khoảng 16 ngân hàng với hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2018 thanh toán di động tăng trưởng trên 160% so với năm 2017.
Tỷ lệ người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng mới chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Malaysia, con số này cao gấp 3 lần. Hiện vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dân chưa từng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Phát biểu tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần đẩy mạng nghiên cứu phương thức thanh toán viễn thông để toàn dân tiếp cận và có tính phổ cập cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!