Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Nên nhưng cần thận trọng

Hạnh Vân - Văn Dương (VTV9)Cập nhật 10:38 ngày 25/07/2019

VTV.vn - Trong những ngày gần đây, người dân bàn tán nhiều về đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố của Sở GTVT TP.HCM với 34 cổng thu phí, tổng kinh phí đầu tư 250 tỷ đồng.

Đề xuất lắp đặt trạm thu phí tại TP.HCM đã gặp phải ý kiến trái chiều của người dân thành phố, đây là điều dễ hiểu khi không ai muốn mất thêm phí. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, sẽ có một con số khiến nhiều người phải lưu tâm: Trong 6 tháng cuối năm 2018, số lượng ô tô đã tăng kỷ lục với mỗi tháng gần 11.000 xe ô tô đăng ký mới tại TP.HCM. Số lượng ô tô mới quá nhiều đã đưa khu vực trung tâm thành phố vượt ngưỡng phục vụ.

Theo nghiên cứu của Sở GTVT TP.HCM, nếu áp dụng thu phí ô tô vào trung tâm, lưu lượng xe ô tô vào khu vực này giảm được từ 30% - 50%. Như vậy, giao thông công công cộng mới có khoảng trống để phát triển. Một nguyên nhân quan trọng hơn là tính thời điểm. Đề án thu phí ô tô vào nội đô đã được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương từ năm 2009. Khi đó, TP.HCM không thể thực hiện vì vẫn còn nhiều vướng mắc về chế tài và pháp lý. Sau 10 năm, theo Sở GTVT thành phố, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện. Thêm vào đó, tình trạng kẹt xe tại đây theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT là đã thuộc hàng nghiêm trọng nhất nước.

Trái với lo ngại của nhiều chuyên gia, đây sẽ là 34 trạm thu phí không dừng nên không thể gây tắc nghẽn về giao thông. Theo Sở GTVT TP.HCM, khi đưa việc thu phí vào thực hiện, Sở sẽ có những biện pháp hỗ trợ, thay thế cho các phương tiện bị hạn chế. Ngoài việc giảm ùn tắc giao thông, nguồn phí thu được sẽ được dùng để xây dựng hạ tầng, đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó là khi TP.HCM thật sự sẵn sàng cho việc thu phí.

Điều khiến các chuyên gia về giao thông băn khoăn nhất là cách thực hiện thu phí. 40.000 đồng cho một ô tô cá nhân là một mức phí không thấp nếu nhu cầu đi lại hàng ngày của phương tiện đó cao. Bên cạnh đó, liệu việc đặt ra thời hạn thu phí 2 năm có đủ để cho phương tiện công cộng kịp phát triển? Một băn khoăn nữa là TP.HCM vẫn đang thí điểm tăng giá giữ xe ở khu vực trung tâm và ngay lập tức các nơi này vắng xe. Điều này cho thấy, thay vì lập các trạm thu phí, thành phố chỉ cần tạo nên các vành đai khu giữ xe, vừa hiệu quả lại không tốn kém chi phí lắp đặt.

Một khuyến cáo nữa là TP.HCM cần thận trọng hơn khi thực hiện việc thu các khoản phí để tránh cảm giác phí chồng phí. Điều này sẽ khiến TP.HCM kém sức hút trong mắt các nhà đầu tư, biến thành phố trở thành một nơi để lưu thông được phải mất quá nhiều chi phí.

Theo các chuyên gia, với một đô thị lớn như TP.HCM, khi quỹ đất dành cho giao thông không thể phát triển như mong đợi, thành phố phải thực hiện nhiều biện pháp để chống ùn tắc, không thể đợi xe cá nhân giảm rồi mới thực hiện phát triển giao thông công cộng. Bài toán được đặt ra ngay lúc này là TP.HCM sẽ tận dụng như thế từ việc thu phí?


TP.HCM đề xuất xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm thành phố TP.HCM đề xuất xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm thành phố

VTV.vn - Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đề xuất với UBND thành phố lắp đặt 34 trạm thu phí nhằm thu phí ô tô vào nội đô TP.HCM.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.