TP.HCM đã xác định sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa, qua đó để đạt được hiệu quả kép khai thác tối ưu thế mạnh sông nước và giảm bớt áp lực giao thông trên đường bộ. Trong thời gian qua, TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước phát triển tuyến bus đường sông theo hình thức đối tác công - tư với kế hoạch triển khai 2 tuyến bus.
Tuyến bus số 1 xuất phát từ Bạch Đằng, quận 1 đi đến Linh Đông, quận Thủ Đức, có chiều dài gần 11km. Hiện nay có 4 tàu bus, mỗi tàu có sức chứa 75 người và sẽ đón trả khách luân phiên 12 lượt/ngày chạy xuyên suốt trong 2 năm qua. Dù những chuyến buýt sông rộng lớn như vậy nhưng chuyện lấp đầy toàn bộ ghế ngồi nơi đây là điều hiếm khi, có chăng chỉ vào dịp lễ hoặc cuối tuần.
Hiện nay, tuyến bus số 1 theo kế hoạch có đến 12 cầu cảng, dù đưa vào khai thác hơn 2 năm nhưng mới triển khai được 5 cầu cảng gồm: Bạch Đằng, Bình An, quận 2, Thanh Đa, quận Bình Thạnh, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông, quận Thủ Đức. Tuy nhiên, 5 cầu cảng nằm ở những địa điểm không phải là các quận tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang làm việc.
Tuyến bus đường sông số 1 hoạt động đã chật vật như vậy, nên kế hoạch triển khai tuyến bus số 2 gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, tuyến bus số 2 có lộ trình từ Bạch Đằng đi Lò Gốm với chiều dài hơn 10km, qua khu vực quận 5, quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh. Tuyến số 2 được đánh giá khác tuyến số 1 ở chỗ hai bờ sông được thi công, hệ thống kè tương đối đẹp, đã có hành lang trên sông.
Khi thực hiện dự án, chính quyền và các nhà đầu tư đều kỳ vọng đây sẽ là phương tiện giao thông công cộng được ưa chuộng. Tuy nhiên, việc thiếu kết nối cơ sở hạ tầng đã khiến người dân từ chối lựa chọn phương tiện này làm phương tiện đi lại hàng ngày. Theo đó, nhà đầu tư dự án cũng lâm vào cảnh khó khăn và nếu tình trạng này kéo dài, tuyến bus số 1 khó duy trì chất lượng, việc triển khai tuyến bus 2 cũng khó khả thi.
Không thể phủ nhận những tiện ích và tiện nghi của bus đường thuỷ tại TP.HCM như: chạy đúng giờ, sạch sẽ, thoáng mát, hiện đại, nhưng như những chia sẻ của người dân và chuyên gia, TP.HCM cần có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để phát huy được lợi thế của các tuyến bus đường thủy tại thành phố, góp phần giải quyết những vấn đề về giao thông như kỳ vọng.
Các chuyên gia đánh giá, chỉ cần hoàn thiện tuyến bus số 1 và số 2 theo kế hoạch ban đầu, với lợi thế sông nước, TP.HCM không chỉ dừng lại ở 2 tuyến bus mà giao thông công cộng đường thủy có thể trở thành một trong những phương tiện giao thông chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!