Sau tai nạn giao thông, không có nơi nào nhận anh Nguyễn Văn Quý vào làm việc, may mắn là Công ty Thiện Tâm Hương (TP.HCM) đã đón nhận anh. Từng là những trẻ lang thang và có hoàn cảnh đặc biệt, nhờ nhà hàng Koto ở thành phố Hà Nội đào tạo và nhận vào làm việc, nhiều chàng trai, cô gái đã trở thành nhân viên pha chế và phục vụ của nhà hàng này.
Dù giải quyết công ăn việc làm cho người yếu thế, dễ tổn thương nhưng các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn về đăng ký thành lập doanh nghiệp hay tiếp cận vốn vay. Nguyên nhân là do Luật Doanh nghiệp năm 2014 sửa đổi chỉ mới công nhận tính pháp lý của doanh nghiệp xã hội, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển. Đó là lý do vì sao các trình tự thủ tục đòi hỏi nhiều hơn so với doanh nghiệp bình thường.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện trên cả nước có khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động có tính chất xã hội, nhưng chưa nhiều trong số đó đăng ký doanh nghiệp xã hội. Do đó, việc các cơ quan quản lý Nhà nước thay đổi nhận thức, tin tưởng vào vai trò của doanh nghiệp xã hội sẽ khuyến khích nhiều hơn những tổ chức tài chính, thiện nguyện, nhà tài trợ tham gia, tạo động lực cho doanh nghiệp xã hội phát triển. Đây cũng là cách góp phần giải quyết những vấn đề xã hội mà Chính phủ chưa giải quyết hết, thúc đẩy kinh tế phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!