Mới đây tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Hiện khu vực cặp sông Hậu này xuất hiện vết nứt rộng, có nguy cơ nhấn chìm quốc lộ 91 cùng với 2 nhà dân và một quán nước bất cứ lúc nào. Ven quốc lộ 80 đoạn thuộc TP Cần Thơ sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Đoạn sạt lở có chiều dài hơn 40m, làm 5 căn nhà bị hư hỏng, trong đó 2 căn bị sụp hoàn toàn xuống sông. Tỉnh cuối nguồn Sóc Trăng đang bị sạt lở bủa vây với nhiều vụ diễn ra liên tiếp. Ước tính toàn tỉnh có 20 khu vực sạt lở nguy hiểm với khoảng 40.000 mét đê bao.
Sạt lở gây thiệt hại rất nặng nề cho người dân ĐBSCL. Ngoài nhà cửa, tính mạng bị đe dọa, loại hình thiên tai này còn tàn phá diện tích vườn cây ăn trái đặc sản ở vùng cuối nguồn, đặc biệt là ở tỉnh Sóc Trăng. 40m đê bao ngay trước nhà ông Đề đã bị sạt lở. Hàng chục cây mít đang cho trái rơi tỏm xuống sông. Đáng lo hơn là gần 3.300ha vườn cây ăn trái bên trong đê sẽ ngập chìm trong nước nếu không khắc phục sớm.
Chỉ riêng xã Xuân Hòa đã có 7 điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, nhiều điểm sạt lở có chiều dài khá lớn từ 40m đến 60m, uy hiếp đến vùng trồng cây ăn trái của địa phương như: mít, sầu riêng, măng cụt, mận,... Giao thông nhiều khu vực bị chia cắt.
Vườn cây ăn trái là tài sản lớn của bà con nông dân. Do vậy gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở đê bao, bảo vệ sản xuất cần thực hiện khẩn trương. Bởi mùa mưa còn kéo dài, nước lũ cộng triều cường sắp đến./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!