Pháp lý hóa giải pháp ngăn chặn vi phạm xây dựng ở TP.HCM

Hạnh Vân - Hữu Thành (VTV9)Cập nhật 11:23 ngày 19/12/2019

VTV.vn - Mạnh tay xử lý tình trạng xây dựng sai phép, không phép là một trong những hoạt động đáng chú ý nhất của TP.HCM trong thời gian vừa qua.

Trong suốt 6 tháng cuối năm, TP.HCM đã áp dụng nhiều hình thức xử lý nghiêm như: kỷ luật hàng trăm cán bộ; rút giấy phép của nhiều dự án lớn; Sở Xây dựng thành phố phối hợp 24 quận, huyện lập các tổ công tác do Phó Chủ tịch quận, huyện dẫn đầu. Điều này bước đầu đã mang đến những kết quả tích cực hơn về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, về lâu dài, TP.HCM vẫn cần một quy trình chuẩn để duy trì và phát huy hiệu quả trong đảm bảo trật tự xây dựng.

TP.HCM vừa sơ kết thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng. Sau 5 tháng thực hiện, tỷ lệ vi phạm xây dựng đã kéo giảm từ 8,5 vụ/ngày xuống còn 3,1 vụ/ngày. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa thể làm lãnh đạo TP.HCM yên tâm hơn về tình hình trật tự xây dựng.

Theo thống kê, nhà có diện tích nhỏ hơn 15m2 chiếm đến 70% tại quận 4. Đây là những căn nhà trong diện không được cấp phép xây dựng, sửa chữa. Bên cạnh đó, quận 4 lại có mật độ dân cư lớn nhất TP.HCM với 41.000 người/km2. Điều này đã khiến quận đang phải đối mặt với áp lực không nhỏ về đảm bảo trật tự xây dựng.

Trái với quận 4 - một quận đô thị, huyện ngoại thành Nhà Bè lại vướng phải một vấn đề khác, đó là quy định đăng ký kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định, mỗi năm người dân được phép đăng ký kế hoạch sử dụng đất một lần. Nếu không, trong năm đó họ sẽ không thực hiện được thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Bức tranh tổng thể về xây dựng của TP.HCM cho thấy không dễ để ngăn chặn các vi phạm. Ngoài vấn đề về con người, rào cản về quy định pháp luật cũng khiến các vấn đề khác trở nên phức tạp, khó giải quyết. Từ thực tiễn này, lãnh đạo TP.HCM đề xuất phải pháp lý hóa những biện pháp mà quận, huyện đề xuất để xử lý các vi phạm về xây dựng. Một giải pháp đã được thành phố đề xuất khá nhiều lần là tăng cường trách nhiệm của địa phương. Nếu được pháp lý hóa, kẽ hở về phân cấp quản lý địa bàn trong xây dựng sẽ được xử lý. Nói cách khác, việc pháp lý hóa sẽ đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự xây dựng.

Có thể nói, nếu làm được, việc pháp lý hóa các giải pháp ngăn chặn vi phạm xây dựng sẽ thật sự đem lại một bước tiến mới. Tuy nhiên, điều đó chắc chắn sẽ cần một thời gian nhất định. Trong khi chờ hiện thực hóa pháp lý các biện pháp, TP.HCM vẫn có thể thực hiện được một số biện pháp nằm trong khả năng của mình.


TP.HCM đề xuất nhiều chế tài đối với công trình xây dựng vi phạm TP.HCM đề xuất nhiều chế tài đối với công trình xây dựng vi phạm

VTV.vn - Năm 2017, quận 2, TP.HCM đã xử lý xây dựng không phép 89 vụ. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm nay, số vụ không phép đã là 71 vụ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.