Những cây mía ngọt nhưng lại cho "vị đắng", đó là sự thua lỗ, nỗi thất vọng của nông dân. Từ 4 năm trở lại đây, người trồng mía ở ĐBSCL chưa từng hưởng niềm vui. Năm được giá lại bị ảnh hưởng nước lũ, năm trúng mùa giá bán mía "rẻ như bèo". Năm nay cũng vậy, hơn 1 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân "đứng ngồi không yên", chi phí sản xuất mía tăng trong khi giá mía thu mua lại ở mức khá thấp.
Trong 4 năm qua, giá thành sản xuất mía tăng khoảng 50 đồng/kg. Dù vậy, giá mía bao tiêu và thu mua tại rẫy lại có xu hướng giảm. Đặc biệt, trong vụ mía 2019, giá thành sản xuất của nông dân là 800 đồng/kg nhưng giá thu mua của nhà máy chỉ là 700 đồng.
Thất vọng và lo lắng là tâm trạng đan xen của người dân vùng mía tỉnh Hậu Giang. Điệp khúc thua lỗ sẽ tiếp tục tái diễn ở mùa vụ này. Do liên tiếp thua lỗ nên dễ hiểu vì sao diện tích trồng mía ở ĐBSCL lại giảm mạnh. Năm 2.000, diện tích mía của cả vùng là trên 50.000ha, đến vụ mía 2018 - 2019 chỉ còn khoảng 25.000 ha, giảm 50% diện tích. Các nhà máy đường ở ĐBSCL cũng dần đóng cửa.
Có nhiều nguyên nhân khiến ngành mía đường ở ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp. Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nguyên nhân là do giá thành sản xuất mía của người nông dân hiện vẫn còn cao. Giải pháp để nông dân có lời hiện nay là phải giảm giá thành sản xuất. Mô hình cánh đồng lớn được xem là giải pháp kết nối nông dân với nhà máy và giảm giá thành sản xuất lại không thể triển khai.
Với tình hình như hiện nay, rất có thể trong vài năm tới chúng ta sẽ ăn toàn đường ngoại vì các nhà máy đường trong nước lần lượt đóng cửa. Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có cuộc làm việc tại tỉnh Hậu Giang. Khó khăn của ngành mía đường sẽ được trình lên Quốc hội để thảo luận trong những kỳ họp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!