Ở Ninh Thuận, hơn 10 năm trước, diện tích măng tây trồng nhỏ lẻ nên tiêu thụ vẫn theo kiểu bán ra chợ khá bấp bênh. Từ thực tế này, những nông dân trồng măng tây ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã liên kết lập ra HTX, xây dựng cánh đồng lớn cho măng tây rộng 25 ha. Nhờ vậy, măng tây đưa ra thị trường mỗi ngày đáp ứng yêu cầu từ đối tác cả về sản lượng cũng như chất lượng.
Đặc thù vùng đất khiến cho Ninh Thuận thường xuyên hứng chịu thiên tai nắng hạn. Nhưng, nắng hạn lại giúp cho Ninh Thuận dễ dàng tạo dựng những nông sản đặc hữu, nghĩa là chỉ ở Ninh Thuận mới có hoặc chỉ ở Ninh Thuận mới có chất lượng ngon, thu hút người tiêu dùng. Giai đoạn 2018-2020, tỉnh Ninh Thuận đã công bố 12 sản phẩm đặc thù, trong đó chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để nông sản đặc thù thực sự là lợi thế thì không thể kéo dài cách sản xuất như lâu nay.
Như vậy, để hình thành cánh đồng lớn cho cây trồng đặc hữu, điều mấu chốt lúc này đối với tỉnh Ninh Thuận vẫn là cần có sự gắn kết giữa các nông dân cùng canh tác cây trồng đặc hữu cũng như xây dựng mối liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp tiêu thụ. Bước đầu, ở một số cây trồng đặc hữu chủ lực tại Ninh Thuận như nho, táo, măng tây... đã có doanh nghiệp đứng ra làm hạt nhân trong mối liên kết, từ đó nông dân cũng đã thay đổi quy trình sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!