Vụ thảm sát Ba Chúc năm 1978 vừa xảy ra các phóng viên ngay lập tức có mặt. Nhiều hình ảnh ghê rợn được ghi lại một cách chân thực. Đêm trước còn gặp bà con, nhà báo Thế Hải không quên được cảm giác rợn người khi sáng ra khắp chùa toàn là xác chết. Ông nhớ lại: "Từ nhỏ đến lớn, lần đầu tiên tôi thấy xác chết khủng khiếp như vậy. Chết không được toàn thây, con nít bị xé, phụ nữ bị cây đâm qua cửa mình. Vừa thấy là rợn óc người, giận, bực bội và căm thù".
Trên mặt trận 979, không chỉ cầm máy quay phim, nhà báo Võ Khải bất đắc dĩ trở thành y tá. Giữa cảnh bom đạn, đứng giữa lằn ranh sống chết thì cứu người vẫn là trên hết. Ông kể: "Xe kéo pháo vừa xuống suối là nổ mìn. Anh Sáu Thanh – Sư phó Sư 330 bị thương hai chân thì tôi băng bó đưa về tuyến sau. Đi trên K5 hàng rào mìn thì bộ đội hành quân rất nhanh, mình phải chạy trong rừng để ghi hình ảnh mới kịp".
Ngày 15/1/1979, sau khi giải phóng Campuchia, một cánh quân của ta bị Pôl Pốt phục kích. Máu của nhiều người đã đổ xuống, trong đó có liệt sĩ - nhà báo Phan Minh Tràng. 40 năm đã lùi xa nhưng hài cốt anh vẫn chưa về được quê hương. Nhà báo Phùng Văn Phan - Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ day dứt: "Đoàn xe bị phục kích, anh Thuận là phụ quay của anh Tràng bị thương. Ảnh nói đưa máy cho ảnh giữ. Lúc đó bờ kênh có nước ảnh sợ ướt máy, đồng thì cỏ khô nên ảnh đi hơi cao. Nó bắn anh từ bên phải qua bên trái".
Những thước phim đẫm máu của quân và dân ta đã góp phần vẻ nên trang sử hào hùng của dân tộc. Qua 40 năm, nhưng ký ức đầy tự hào của các phóng viên chiến trường vẫn tiếp tục thắp lửa cho nhiều thế hệ đồng nghiệp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!